Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Xúc tiến thương mại - đầu tư

Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào thực chất

10:23 08/07/2019

- Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động được An Giang triển khai thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ, cần các giải pháp để Cuộc vận động thật sự đi vào cuộc sống, nâng cao hơn nữa hiệu quả, tránh hình thức.
 

Cuộc vận động nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đa số người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm; giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân. Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, Cuộc vận động từng lúc, từng nơi thực hiện chưa thường xuyên; việc triển khai thực hiện có nơi còn hình thức, biện pháp thực hiện thiếu cụ thể, chưa tạo thành phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rộng khắp. Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn mỗi năm có nâng lên về số chuyến và doanh số bán hàng. Song, chưa có sự kết nối giữa DN trong tỉnh với các DN, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nên chưa đa dạng được hình thức tổ chức.

 

Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào thực chất

 

Quảng bá, tuyên truyền hàng Việt

Một số hàng hóa thương hiệu Việt còn thiếu sự cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng còn những mặt hạn chế nên chưa tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng trong nước khi lựa chọn giữa hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập. Một số đối tượng lợi dụng việc truyền thông trước khi DN thực hiện các chuyến bán hàng về nông thôn để giả mạo bán các mặt hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm mất uy tín cho đơn vị, DN tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn.

Hàng hóa ở chợ truyền thống rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, cũng chính vì đa dạng mặt hàng nên nguồn gốc hàng hóa khá trôi nổi bên cạnh sản phẩm hàng hóa thương hiệu. Trong đó có hàng hóa sản xuất trong nước, nhập khẩu từ các nước, nhiều nhất là Trung Quốc. Ngành chức năng qua các cuộc kiểm tra thị trường đã phát hiện nhiều vụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng, với giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Doanh số bán hàng và số lượt khách tham quan và mua sắm mỗi năm tăng cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình, đặc biệt là tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị di động được người dân nhiệt tình ủng hộ.

Quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, DN cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương từ chối vì cho rằng, là hoạt động thương mại, dù có sẵn mặt bằng rộng đủ để cho DN tổ chức phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con. DN ”sợ” nhất là thủ tục hành chính rườm rà, trong khi tỉnh khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn, có chủ trương, nhưng khi làm việc cụ thể thì có địa phương yêu cầu DN phải làm văn bản xin tổ chức, làm kế hoạch phương án phòng cháy, chữa cháy, tài trợ tiền... Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: ”10 năm đưa hàng Việt về nông thôn có trên 150 DN Việt đồng hành cùng hàng Việt. Hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa xem hàng Việt về nông thôn mang tính chất tuyên truyền, hoạt động chính trị cần nhân rộng, mà xem như một hình thức thương mại đơn thuần. Từ đó, có địa phương mà DN muốn tới nhưng không đến được. Nhiều địa phương như: Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn muốn DN đưa hàng Việt về thường xuyên để phục vụ bà con, nhưng tần suất không cho phép”.

Ông Tạ Minh Sơn kiến nghị, Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo các địa phương nhìn sâu rộng hơn về ý nghĩa Cuộc vận động và việc đưa hàng hóa Việt chất lượng, uy tín để quảng bá. Đừng xem DN đưa hàng Việt về nông thôn mang tính chất kinh doanh thương mại thuần túy và đừng hành chính hóa về thủ tục. Chúng tôi xác định đưa hàng Việt về nông thôn là trách nhiệm của DN với cộng đồng, với xã hội, vì trước khi muốn đến địa phương nào Tứ Sơn xác định phải bán được hàng mới đi, chứ không phải đến hô hào, có hình thức, qua loa để báo cáo. 10 năm đưa hàng Việt về nông thôn, doanh số bán hàng của Tứ Sơn hơn 300 tỷ đồng, thể hiện sức mua bà con tin dùng hàng Việt.

Để khuyến khích, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỉnh cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Tổ chức, nhân rộng các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh nhấn mạnh, dùng hàng Việt Nam thể hiện lòng yêu nước. Do đó, cần tác động tư tưởng, giáo dục lòng yêu nước để Cuộc vận động len lỏi thấm đậm trong lòng dân, ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi đi mua sắm hàng hóa. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện, hạn chế thủ tục để DN đưa hàng Việt về phục vụ người dân nông thôn để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống.

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

các tin khác

Hình Ảnh