Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Xúc tiến thương mại - đầu tư

Hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, góp phần an sinh xã hội

03:18 03/01/2019

(CỔNG TTĐT AG)-Sau 15 năm hoạt động, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh An Giang (NHCSXH), hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương. Đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
 

Hiện, tổng nguồn vốn của NHCSXH lên đến 2.936 tỷ đồng, tăng 2.839 tỷ đồng (tăng gấp 27,3 lần) so với khi mới thành lập. Khi mới thành lập, Chi nhánh nhận bàn giao 3 chương trình với tổng dư nợ 96,669 tỷ đồng: Cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh với dư nợ 74,285 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với dư nợ 21,130 tỷ đồng và cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng TMCP Công thương với dư nợ 1,254 tỷ đồng. Sau hơn15 năm đi vào hoạt động, NHCSXH đã triển khai cho vay thêm 15 chương trình tín dụng chính sách mới. Hiện, đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thị xã, thành ủy thác. Doanh số cho vay trong 15 năm đạt 5.816,121 tỷ đồng, với 524.826 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ trong 15 năm đạt 2.755,666 tỷ đồng.  Tổng dư nợ hiện 2.928,367 tỷ đồng, với 165.927 khách hàng còn dư nợ, tăng so với thời điểm mới thành lập 2.831,698 tỷ đồng (tăng 29,3 lần). 

Hàng năm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình chỉ định của địa phương. Từ năm 2003 đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chuyển sang NHCSXH 118,159 tỷ đồng, ủy thác cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng đặc thù của địa phương. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình chị Neang Tha Rây (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) đầu tư buôn bán các sản phẩm thốt nốt. Chị vui mừng: "Được vay vốn của NHCSXH 30 triệu đồng tôi mở thêm cửa hàng cho chồng sửa chữa xe máy, mua tủ bảo quản lạnh bán thốt nốt, thu nhập ổn định hơn. Từ chỗ là hộ nghèo đến nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định". Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (ấp Thị 1, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) được NHCSXH hỗ trợ vốn 30 triệu đồng đầu tư mở rộng cơ sở may. Chị Kiều chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn cơ sở may của chị đã dần đi vào ổn định, tăng thu nhập cho gia đình và anh chị em công nhân. Từ 2-3 máy may và vài công nhân ban đầu, nay cơ sở của chị có 14 máy may, 15 công nhân. Trung bình mỗi tháng trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 5-10 triệu đồng".

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang Tô Văn Hoảnh cho biết: "Vốn tín dụng chính sách góp phần giúp: 378.927 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, 136.734 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 179.704 lao động được đào tạo việc làm, 3.463 lao động được đi lao động ở nước ngoài, 63.37 học sinh sinh viên được vay vốn đi học, 132.785 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, 9.421 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng (theo quyết định số 167 và 33 của Thủ tướng Chính phủ) và 28.754 ngôi nhà được xây dựng theo chương trình mua trả chậm ở nhà ĐBSCL".

Trong 15 năm qua, hoạt động của NHCSXH không ngừng phát triển và ngày càng ổn định. Nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại. Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn… bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Hoảnh chia sẻ: "Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên). Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và việc tham gia trực tiếp của chính quyền ấp vào việc bình xét cho vay, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra sử dụng vốn của hộ vay, đôn đốc xử lý thu hồi nợ. Từ đó, đồng vốn đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo "./.

HẠNH CHÂU

các tin khác

Hình Ảnh