Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Kinh tế xã hội

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018

04:43 27/09/2018

 
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018 
 
Phần thứ nhất
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018
 
            Trong 9 tháng đầu năm 2018, mặc dù kinh tế - xã hội tỉnh An Giang phải đối mặt nhiều thách thức như ngành chăn nuôi gặp khó khăn; ảnh hưởng thiên tai, sạt lở, biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực lên đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân... Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh trong 9 tháng đầu năm vẫn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, khả quan. Kinh tế tục phục hồi và ổn định. Sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong những tháng đầu năm là tương đối khả quan, năng suất các loại cây trồng vụ Đông Xuân đạt mức cao. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Du lịch tỉnh 9 tháng đã thu hút số lượng khách vượt kế hoạch cả năm và đem lại doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, sôi động và tăng khá về cả kim ngạch và giá trị. Môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm cải thiện; cải cách hành chính được đẩy mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt nhiều kết quả; trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững. 
I. Lĩnh vực kinh tế
            Tổng sản phẩm trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng năm 2018 (theo giá so sánh 2010) tăng 6,15% so cùng kỳ năm trước; cao hơn mức tăng 4,88% của cùng kỳ năm 2017. Trong mức tăng 6,15% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,10%, cao hơn mức tăng 0,70% của năm 2017; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,98%, cao hơn nhiều mức tăng 7,05% của năm 2017; khu vực dịch vụ tăng 8,02%, cao hơn mức tăng 7,10% của năm 2017; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 5,01%, hơi thấp hơn mức tăng 5,82% của năm 2017.
Chỉ tiêu KH năm 2018 9 tháng  2017 9 tháng  2018
GRDP (%) 6-6,5 4,88 6,15
Khu vực Nông - Lâm - Thủy sản (%) 2-2,25 0,70 2,10
Khu vực Công nghiệp - Xây dựng (%) 7,69-8,20 7,05 8,98
Khu vực Dịch vụ (%) 8-8,66 7,10 8,02
Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách % 5,6 5,82 5,01
Về cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2018, tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định (khu vực I ngày càng giảm và khu vực II, III tăng dần qua các năm), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 29,87%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 13,78%; khu vực dịch vụ chiếm 54,53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 1,81% (cùng kỳ năm 2017 lần lượt là: 31,18%; 13,36%; 53,62% và 1,84%).
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
               Trong 9 tháng năm 2018, giá trị sản xuất (GTSX) nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 31.998 tỷ đồng, bằng 103,6% (tăng hơn 1.118 tỷ đồng) so cùng kỳ năm trước.
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: 
              Cây hàng năm: Trong 9 tháng năm 2018 (gồm vụ Mùa, Đông Xuân và Hè Thu), toàn tỉnh gieo trồng được 506.122 ha, đạt 99,1% so kế hoạch và bằng 96,87% (giảm 10.665 ha) so cùng kỳ; nguyên nhân chủ yếu do chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản; giảm diện tích màu trồng xen trong cây lâu năm (do đã khép tán); diện tích vụ Mùa chuyển sang sản xuất 2 vụ; lơi vụ (không sản xuất) để điều chỉnh lịch thời vụ chung và xây dựng công trình phúc lợi. Trong đó diện tích lúa 466.473 ha, đạt 99,9% so kế hoạch và bằng 98,76% (giảm 7.317 ha) so cùng kỳ năm trước và hoa màu các loại gieo trồng 39.649 ha, đạt 90,95% kế hoạch và bằng 92,21% (giảm 3.348 ha) so cùng kỳ. 
               Sản lượng chung trong 9 tháng năm 2018 ước đạt gần 3,012 triệu tấn, bằng 102,6%, tăng gần 76,5 ngàn tấn so cùng kỳ; chủ yếu do năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt 73,52 tạ/ha, tăng 3,23 tạ/ha và vụ Hè Thu sơ bộ ước đạt 55,47 tạ/ha, tăng 1,41 tạ/ha so cùng kỳ năm trước. 
                Về tình hình sâu bệnh gây hại, tính chung các vụ chỉ có khoảng 179,5 ngàn lượt ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, bằng 73,4% (giảm 65 ngàn ha) so cùng kỳ; mức độ gây hại chủ yếu từ nhẹ đến trung bình nên trong vụ không có diện tích bị thiệt hại do sâu bệnh. Về thiệt hại do thiên tai, từ đầu năm đến nay mưa dông đã gây ngập và đổ ngã khoảng 4.658 ha lúa và hoa màu các loại, trong đó, thiệt hại dưới 30% là 114 ha; thiệt hại từ 30-70% là 1.672 ha và thiệt hại trên 70% là 525 ha. Bên cạnh, do lũ về sớm và dâng cao đã gây ngập một số tiểu vùng sản xuất đang trong giai đoạn chín và thu hoạch với diện tích khoảng 840 ha không chỉ làm tăng chi phí trong khâu thu hoạch mà còn ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng của các loại cây trồng, đặc biệt là năng suất cây lúa.
                 Ước cả năm 2018, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 677,8 ngàn ha, đạt 97,6% so kế hoạch và bằng 96,87% (giảm 21,9 ngàn ha) so năm 2017. Trong đó, diện tích lúa 623,9 ngàn ha, đạt 98,37% kế hoạch và bằng 97,32% kế hoạch (giảm 17,2 ngàn ha); Diện tích màu 53,8 ngàn ha, đạt 89,42% kế hoạch (giảm 4.715 ha) so cùng kỳ. Tính chung, năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 62,54 tạ/ha, bằng 103,34% (tăng 2,02 tạ/ha) so với năm 2017. Tổng sản lượng lúa cả năm ước đạt gần 3,902 triệu tấn, tăng 22,4 ngàn tấn; riêng sản lượng nếp đạt khoảng 990 ngàn tấn, giảm 104,5 ngàn tấn.
                 Cây lâu năm: Trong 9 tháng năm 2018, diện tích cây lâu năm hiện có hơn 16,2 ngàn ha, bằng 107,6% (tăng 1.142 ha) so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở nhóm cây ăn quả. Mặc dù, bị ảnh hưởng thời tiết luôn diễn biến phức tạp đã phần nào tác động đến kết quả sản xuất; tuy nhiên, nhờ các nhà vườn tích cực chăm sóc, chuyển đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng.
                  Tổng sản lượng thu hoạch các loại cây lâu năm ước đạt gần 156,3 ngàn tấn, tăng 10,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó, tăng nhiều nhất là xoài với sản lượng đạt 94,5 ngàn tấn, tăng 11,4% (trong đó các giống xoài chất lượng như Đài Loan, Cát Hòa Lộc... ước đạt khoảng 76,5 ngàn tấn, chiếm 81% sản lượng xoài); chuối 22,7 ngàn tấn, tăng 2,4 ngàn tấn (trong đó chuối cấy mô sản lượng ước đạt hơn 7,6 ngàn tấn, chiếm 33,48% sản lượng chuối); na/mãng cầu 313 tấn (tăng 92 tấn); nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) 2,3 ngàn tấn (tăng 684 tấn).
                  b) Chăn nuôi: Trong những tháng đầu năm, giá bán sản phẩm thấp, đến Quý III/2018 có dấu hiệu khởi sắc nhưng do người nuôi còn lo ngại tính bất ổn của đầu ra nên quy mô đàn chăn nuôi vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Đối với chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại, do thị trường tiêu thụ ổn định hơn, dịch bệnh chăn nuôi được kiểm soát tốt nên có xu hướng phát triển, tuy nhiên, do số lượng gia trại, trang trại chưa nhiều nên sản phẩm chăn nuôi vẫn còn sụt giảm so cùng kỳ. Tính chung, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 23.787 tấn, bằng 94,6% so cùng kỳ, trong đó, thịt trâu hơi 217 tấn, bằng 92,6%; thịt bò hơi là 5.335 tấn, bằng 89,4 tấn; thịt heo hơi khoảng 12.453 tấn, bằng 91,8%; thịt gia cầm hơi 5.782 tấn, bằng 107,5%; sản lượng trứng gia cầm gần 208 triệu quả, bằng 102%. Ước cả năm 2018, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 29.529 tấn, bằng 98,3% so cùng kỳ (trong đó: Sản lượng thịt heo đạt 15.609 tấn, bằng 99,13%; thịt gia cầm đạt 6.639 tấn, bằng 105,3%); sản lượng trứng gia cầm gần 368 triệu quả, bằng 101,8%.
                   1.2. Lâm nghiệp: Trong 9 tháng năm 2018, xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích 200 m2 tại đồi 1 núi Phú Cường (TT. Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) thiệt hại không đáng kể. Kiểm tra, phát hiện 19 vụ (giảm 19 vụ so cùng kỳ), đã phạt tiền và tịch thu tang vật, với số tiền 14 triệu đồng, 7,2 m3 gỗ và nhiều loại động vạt hoang dã khác. Thực hiện trồng cây phân tán ước khoảng 1.985,3 ha, tương đương gần 3 triệu cây, bằng 96,2% so cùng kỳ.
                   1.3. Thủy sản: 
                   Nhìn chung 9 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu mở rộng, nhu cầu nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp gia tăng nên giá cá tra nguyên liệu tiếp tục được duy trì ổn định mức cao. Lợi nhuận hấp dẫn, người nuôi mở rộng diện tích thả nuôi nên quy mô và sản lượng thuỷ có phần tăng mạnh. Cụ thể:
                  - Nuôi trồng: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 329.633 tấn, tăng 19,33% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 328.111 tấn, tăng 19,37% (riêng cá tra, basa đạt 267.861 tấn, tăng 21,92%); tôm đạt 91 tấn, tăng 21,3% và thủy sản khác đạt 1.431 tấn, tăng 11,04%. Tổng diện tích thuỷ sản thu hoạch 9 tháng năm 2018 là 1.270 ha, tăng 12,53% so cùng kỳ, trong đó: Diện tích nuôi cá 1.152,9 ha, tăng 11,7% (riêng diện tích cá tra, basa đạt 799 ha, tăng 11,74%); diện tích nuôi tôm càng xanh 102,6 ha, tăng 24,4%; diện tích nuôi thuỷ sản khác 14,5 ha, tăng 3,5% so cùng kỳ 2017. 
                  - Khai thác: Lũ năm nay về sớm và lên nhanh kéo theo nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên cũng được gia tăng. Sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng khoảng 15 ngàn tấn, bằng 101,53% so cùng kỳ. Ước cả năm 2018, sản lượng thuỷ sản đạt 467.153 tấn, tăng 16,29% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 453.255 tấn, tăng 16,6%; tôm đạt 92 tấn, tăng 21,1% và thủy sản khác đạt 13.806 tấn, tăng 4,54%, gồm: Sản lượng nuôi trồng đạt 443.831 tấn, tăng 17,03% (riêng cá tra, basa đạt 353.860 tấn, tăng 19,94%) và sản lượng khai thác đạt 23.322 tấn, tăng 3,76%. 
2. Lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng
2.1. Sản xuất công nghiệp: 
                  Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,80% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,69% của cùng kỳ năm 2017  . Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 9,69%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,92%; ngành sản xuất, phân phối điện và nước đá tăng 4,85% và ngành khai khoáng tăng 1,29%. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN ước 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) đạt 28.087 tỷ đồng, tăng 9,14% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng đạt 455 tỷ đồng, tăng 6,06%; chế biến, chế tạo đạt 26.831 tỷ đồng, tăng 9,28%; sản xuất, phân phối điện và nước đá đạt 496 tỷ đồng, tăng 4,73%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải đạt 305 tỷ đồng, tăng 8,54%.
                   2.2. Đầu tư xây dựng: Ước 9 tháng giá trị khối lượng hoàn thành được 2.667,82 tỷ đồng đạt 59,11% và ước giải ngân được 2.425,35 tỷ đồng đạt 53,74% kế hoạch vốn giao đầu năm 2018 (4.512,84 tỷ đồng). So cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ 0,11% (cùng kỳ năm 2017 giải ngân đạt 53,63%), về giá trị tuyệt đối tăng hơn 537 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 giải ngân được 1.888,19 tỷ đồng). Trong đó: (1) nguồn vốn đầu tư tập trung 698,26 tỷ đồng, đạt 61,58% kế hoạch; (2) nguồn vốn thu sử dụng đất 166,53 tỷ đồng, đạt 66,61% kế hoạch; (3) Nguồn vốn xổ số kiến thiết 939,9 tỷ đồng, đạt 64,08% kế hoạch; (4) vốn ngân sách trung ương 270,56 tỷ đồng, đạt 57,7% kế hoạch; (5) vốn trái phiếu Chính phủ 126,26 tỷ đồng, đạt 18,84% kế hoạch; (6) vốn nước ngoài 223,75 tỷ đồng, đạt 42,78% kế hoạch.
                   3. Thương mại – du lịch
                   3.1. Thương mại – Dịch vụ: Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định, do các đơn vị luôn duy trì nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá hợp lý, góp phần ổn định đời sống dân cư địa phương những tháng cuối năm được thuận lợi hơn. 
                  Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước đạt 82.731 tỷ đồng, tăng 11,26% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 60.751 tỷ đồng, tăng 11,93%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 15.889 tỷ đồng, tăng 11,96%; doanh thu dịch vụ khác đạt 6.090 tỷ đồng tăng 6,56%. Ước cả năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 102.701,6 tỷ đồng, tăng 11,17% so năm trước. 
                   Vận tải hành khách và hàng hoá: Ước tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 9 tháng năm 2018 đạt 3.566 tỷ đồng, tăng 9,75% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách đạt 1.413 tỷ đồng, tăng 8,67%; vận tải hàng hóa đạt 1.985 tỷ đồng, tăng 10,39%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 168 tỷ đồng, tăng 11,47%. Ước cả năm 2018, tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.786 tỷ đồng, tăng 9,89% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách đạt 1.895 tỷ đồng, tăng 8,91%; vận tải hàng hóa đạt 2.666 tỷ đồng, tăng 10,44%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 225 tỷ đồng, tăng 11,68%.
                  Bưu chính - Viễn thông: Lũy kế số thuê bao điện thoại cố định ước có trên mạng đến cuối tháng 9/2018 là 47.252 thuê bao, bằng 88.1% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế số thuê bao diện thoại di động trả sau ước có trên mạng đến cuối tháng 9/2018 là 36.249 thuê bao, bằng 86.46% so với cùng kỳ. Lũy kế số thuê bao Internet ước có trên mạng đến cuối tháng 9/2018 là 606.206 thuê bao, bằng 97.01% so với cùng kỳ. Ước doanh thu từ dịch vụ viễn thông 9 tháng năm 2018 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.
                 3.2. Du lịch: Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch trong những tháng đầu năm gồm các hoạt động tiêu biểu như: tổ chức thành công sự kiện “Triển lãm và giới thiệu Văn hóa Ẩm thực Du lịch” với các hoạt động; Tổ chức Đoàn xúc tiến quảng bá kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh An Giang, các tỉnh trong Cụm phía Tây vùng ĐBSCL với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội; Hướng dẫn 07 đoàn quay phim của các hãng truyền hình trong và ngoài nước đến ghi hình tuyên truyền và quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa, ẩm thực, làng nghề ở An Giang. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thực hiện phát sóng 09 chuyên đề du lịch.
Hoạt động du lịch, lữ hành: Dự ước trong 9 tháng năm 2018, An Giang đón 8 triệu lượt khách tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 107% so với kế hoạch). Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh du lịch ước đạt 800 nghìn lượt (đạt 123% kế hoạch), khách quốc tế ước đạt 65 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 93% kế hoạch).
4. Hoạt động xuất, nhập khẩu
                 4.1. Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm  2018 ước đạt 600,4 triệu USD, đạt 71,4% so kế hoạch năm và tăng 3,29% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tình hình xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc, sôi động và tăng khá so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản đều có bước tăng trưởng mạnh về sản lượng và giá trị; các mặt hàng khác như rau quả, hàng dệt may, túi xách, ví, va li, mũ và ô dù cũng đạt tăng trưởng khá về giá trị. Cụ thể:
                - Thuỷ sản: Ước 9 tháng xuất đạt 88.788 tấn, tương đương 213,4 triệu USD, so KH năm đạt 79% về kim ngạch. Nhìn chung, tình hình xuất khẩu cá tra bình quân vẫn đạt 10.000 tấn/tháng, bằng 97,47% so cùng kỳ nhưng do giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng đến 23,99% so cùng kỳ. Về thị trường, thực hiện 9 tháng đầu năm 2018 xuất qua 80 nước, trong đó, 31 nước châu Á, 16 nước châu Mỹ, 20 nước châu Âu, 8 nước châu Phi và 4 nước châu Đại Dương, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường có sản lượng chiếm tỷ trọng cao nhất.
- Gạo: Ước xuất khẩu 9 tháng đạt 319.379 tấn, tương đương 161,8 triệu USD, so kế hoạch năm đạt 64,7% về kim ngạch; so cùng kỳ đạt 118,4% về lượng và đạt 129,9% về kim ngạch. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2018, đạt 506,47 USD/tấn, tăng bình quân 42 USD/tấn do nhu cầu tăng ảnh hưởng giá tăng. 
                - Rau quả đông lạnh: đạt 6.552 tấn, tương đương 10,6 triệu USD, so kế hoạch năm đạt 62,2% về kim ngạch; so cùng kỳ đạt 102,5% về lượng và đạt 105,2% về kim ngạch. Về thị trường, thực hiện 9 tháng đầu năm xuất qua 23 nước, gồm 8 nước châu Á, 11 nước châu Âu, 3 nước châu Mỹ và 1 nước châu Đại Dương.
                - Hàng dệt, may (quần áo, ba lô các loại): đạt 80,9 triệu USD, đạt 73,6% so kế hoạch năm và đạt hơn 114% so cùng kỳ; trong đó, quần áo các loại xuất đạt 60,43  triệu USD, so cùng kỳ tăng 6,89%. Về thị trường thực hiện 9 tháng năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 94,53% trong tổng lượng xuất khẩu hàng may mặc).
                  Ngoài ra, vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch đạt khá so cùng kỳ năm trước như: Phân bón các loại đạt 14,83 triệu USD, tăng gần 98%; thuốc lá gói đạt 7,52 triệu USD, tăng 49,4%; xi măng đạt 1,1 triệu USD, tăng 79,1%.
4.2. Nhập khẩu: 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng ước đạt 108,8 triệu USD, so kế hoạch năm đạt 72,53% và so cùng kỳ đạt 104,42%, trong đó: Phân bón các loại đạt 8,4 triệu USD, tăng 85,7%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 22,4 triệu USD, tăng 41,3%; vải các loại đạt 38,7 triệu USD, tăng 17%; sắt thép các loại đạt 1,8 triệu USD, tăng 58,7%; hàng hóa khác đạt 13,8 triệu USD, tăng 87,1%.
5. Tài chính - Ngân hàng
                       5.1. Tài chính: Ước tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 9 tháng đầu năm là 4.702,9 tỷ đồng, đạt 82,51% dự toán, tăng 3,19% so cùng kỳ, bao gồm: Thu thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 139 tỷ đồng, bằng 114,15% so cùng kỳ; Thu nội địa 4.53,9 tỷ đồng, tăng 2,88% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương 9 tháng đầu năm đạt 8.875,95 tỷ đồng, đạt 66,8% dự toán và tăng 14,46% so cùng kỳ.
                      5.2. Ngân hàng
                     - Hoạt động huy động vốn: Tổng số dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối tháng 9/2018 là 46.110 tỷ đồng, so cuối năm 2017 tăng 11,83%; trong đó huy động trên 12 tháng 18.994 tỷ đồng, chiếm 41,19%/tổng số dư vốn huy động.
                      - Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối tháng 9/2018 là 64.762 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 tăng 6,54%.
 6. Đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư
                      Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 521 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 3.892 tỷ đồng, tăng 31,88% về số vốn đăng ký (tương đương 941 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,47 tỷ đồng, tăng 47,33% (tăng 2,40 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 92 doanh nghiệp, giảm 13,33% (giảm 13 doanh nghiệp) so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 166 doanh nghiệp, tăng 9,21% (tăng 14 doanh nghiệp) so với cùng kỳ. 
                      Tình hình thu hút đầu tư: Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh An Giang đã thu hút đầu tư 66 dự án (gồm: 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 65 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký 66 dự án là 22.520,37 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2017, số dự án giảm 4,35% (giảm 03 dự án), tổng vốn đăng ký tăng gấp 2,84 lần (tăng 16.662 tỷ đồng). Cụ thể như sau:   
* Đối với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài
Trong 9 tháng, cấp mới 01 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 19.111 USD. Cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án (trong đó có 01 dự án điều chỉnh giảm vốn, với số vốn đầu tư điều chỉnh giảm 2.866.219 USD). So cùng kỳ năm 2017, số dự án được cấp mới giảm 02 dự án, số vốn đầu tư đăng ký giảm 4.468.422 USD; số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh bằng nhau (04 dự án điều chỉnh).
                     * Đối với tình hình thu hút đầu tư trong nước
Trong 09 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư được 65 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 22.519,93 tỷ đồng, so với cùng kỳ số dự án giảm 1,52% (giảm 01 dự án), tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 2,91 lần (tăng 16.767 tỷ đồng). 
                     * Tiến độ triển khai các dự án 
Trong 66 dự án đăng ký đầu tư trong 09 tháng đầu năm 2018, số dự án hoàn thành đưa vào hoạt động là 07 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 238 tỷ đồng; Dự án đang triển khai thực hiện là 35 dự án với tổng vốn đăng ký 8.193 tỷ đồng (vốn thực hiện 326 tỷ đồng); Dự án chưa triển khai thực hiện là 24 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 14.089 tỷ đồng. 
III. Văn hóa - Xã hội
1. Giáo dục và đào tạo: 
                  Hoạt động giáo dục những tháng đầu năm tập trung công tác ôn tập và kiểm tra, đánh giá thi học kỳ và tổng kết năm học, thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, tổ chức các hoạt động hè 2018 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018, tuyển sinh đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 diễn ra nghiêm túc và an toàn. Toàn tỉnh có 15.668 thí sinh đăng ký dự thi; kết quả trúng tuyển hệ THPT là 99,7%; hệ giáo dục thường xuyên đạt 74,32%; tính chung toàn tỉnh đạt 98,33% (năm 2017 là 98,66%).
                  Để chuẩn bị năm học mới 2018-2019, cơ sở vật chất, trường lớp học đã được tiến hành tu bổ nhằm tạo môi trường sư phạm khang trang, xanh, sạch, đẹp. Nhìn chung, phần lớn các điểm trường đều cơ bản đảm bảo tốt yêu cầu hoạt động trong năm học mới. Lễ Khai giảng năm học mới đã được đồng loạt tổ chức vào buổi sáng ngày 05/9/2018. Công tác dự phòng, kế hoạch triển khai phòng, chống lũ lụt được thực hiện nghiêm túc; vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh được các trường phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện khá tốt đầu năm học mới.
2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân:
                 Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phòng chống bệnh trong nhân nhân, tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kiểm dịch y tế biên giới. Tính từ đầu năm đến ngày 13/9/2018: số mắc Sốt xuất huyết là 2.588 ca, số tử vong là 01 ca, so lũy tích cùng kỳ năm 2017 giảm 30% về số mắc và giảm 33,3% về số ca tử vong (cùng kỳ năm 2017 có 3.701 ca mắc, tử vong: 03 ca). Số mắc Tay chân miệng là 608 ca, so lũy tích cùng kỳ giảm 66% (cùng kỳ 1.786 ca). Số mắc Thương hàn và Phó thương hàn là 21 ca, giảm 83% so lũy tích cùng kỳ (cùng kỳ 124 ca). Hoạt động y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng tiếp tục được duy trì. 
                  Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Ngành Y tế đã tổ chức 168 buổi tập huấn xác nhận về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Ngành cũng đã kết hợp các ngành chức năng thực hiện thanh, kiểm tra 10.941 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống qua đó, tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP chung là 76,8%; xử lý vi phạm và nhắc nhở khắc phục trên 2.500 cơ sở. 
3. Lao động – việc làm, an sinh xã hội:
                 - Lao động việc làm: Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên, ổn định. Dự kiến trong 9 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho trên 22.650 lao động (đạt 75,5% kế hoạch), trong đó số lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là 170 người tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Á-Rập-xê-út.
                 - Thực hiện chính sách đối với người có công: Tỉnh tiếp tục duy trì giải quyết tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công. Trong 9 tháng đầu năm, dự kiến một số kết quả thực hiện như sau: phân bổ khoảng 6,6 tỷ đồng kinh phí điều dưỡng và trang cấp phương tiện trợ giúp - dụng cụ chỉnh hình; đưa 12 đợt với 782 người có công đi điều dưỡng; tổ chức Lễ trao 139 Bằng Tổ quốc ghi công, phối hợp tổ chức trao 75 Huân chương độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ. Tổ chức tốt các hoạt động thăm, viếng, trợ cấp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 cho trên 34.000 người có công và thân nhân người có công với kinh phí trên 29,3 tỷ đồng; tặng quà của Chủ tịch nước và UBND tỉnh cho gần 42.000 lượt đối tượng có công thuộc diện được hưởng với kinh phí trên 13,6 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức đi thăm tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách tiêu biểu ở 11 huyện, thị, thành phố.
                  - Bảo trợ xã hội: Tiếp tục phát huy và củng cố Trung tâm công tác xã hội; vận hành tốt tổng đài Trung tâm kết nối đường dây nóng phòng chống mua bán người. Tăng cường vận động đóng góp Quỹ Bảo trợ trẻ em, lũy kế từ đầu năm đến nay đã vận động và tiếp nhận 4,4 tỷ đồng; qua đó đã hỗ trợ cho 3.104 lượt trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chăm sóc trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6. 
                  - Phòng chống tệ nạn xã hội: Tỉnh đã ban hành Kế hoạch Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2018 – 2020. Trong 9 tháng đầu năm, cơ sở tiếp nhận quản lý cai nghiện cho 2.028 lượt người nghiện ma túy và đối tượng xã hội, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 61 lượt người. 
4. Văn hoá - Thể thao: 
                 Trong 9 tháng đầu năm, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh đã được tổ chức như: các hoạt động văn hóa – nghệ thuật mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước, lễ hội truyền thống tại địa phương. Các hoạt động tiêu biểu gồm có Chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bắn pháo hoa đón giao thừa Xuân Mậu Tuất năm 2018, Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2018, Lễ tưởng niệm 38 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương trên sóng Phát thanh - Truyền hình An Giang lần I năm 2018, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh lần thứ VIII năm 2018, Tham dự Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018 tại thành phố Đà Nẵng.
                  Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được Ngành quan tâm thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, gắn phong trào với việc xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị làm cho phong trào ngày càng khởi sắc và phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 503.726 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,24% so tổng số hộ), 861 khóm/ấp văn hóa (đạt 96,95% so tổng số ấp), 10 xã đạt chuẩn văn hóa (đạt 8,4% so tổng số xã), 44 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 36,97% so tổng số xã) và 12 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 32,43%). Bên cạnh đó, các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã được hướng dẫn duy trì cho 11 huyện, thị xã, thành phố.
                 Về hoạt động thể dục thể thao: Các đội thể thao đã cử trên 340 lượt VĐV thi đấu trên 50 giải thể thao vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia, giải cúp, giải thể thao các nhóm tuổi, thanh thiếu niên trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải quốc tế, kết quả đoạt 241 huy chương (77 HCV – 68 HCB – 96 HCĐ). Đội bóng đá An Giang tham dự giải bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2018, kết quả giành quyền thăng hạng giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2019. Các đội bóng đá U21, U17, U15 An Giang tham dự các giải bóng đá cấp Quốc gia năm 2018, trong đó các đội U17, U15 An Giang giành quyền vòng chung kết tại các giải tham dự. 
5. Hoạt động Khoa học công nghệ: 
                 Ngành Khoa học Công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012, Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/02/2013 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số kết quả nhiệm vụ nổi bật đạt được là cơ sở để người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất góp phần tăng hiệu quả sản xuất như: xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học tại huyện An Phú; nhân rộng mô hình ương giống tôm càng xanh toàn đực trên địa bàn tỉnh An Giang; mô hình nuôi ghép ếch Thái Lan trong vèo kết hợp thả cá sặc rằn trong ao đất tại huyện Châu Phú; thành công phát triển nuôi bê con qua gieo tinh nhân tạo từ giống Brahman đỏ trên địa bàn huyện An Phú có tốc độ tăng trọng nhanh và thích nghi tốt với điều kiện của địa phương; thành công trong phát triển mô hình trồng xà lách xoong trên nền đất lúa 3 vụ tại huyện Châu Thành. Phát triển mới các mô hình dịch vụ và công nghệ sản xuất liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa như Ứng dụng máy CL2A.CT trong dây chuyền làm sạch hạt giống (năng suất hoạt động 1.2-1.5 tấn/h); sản xuất thử nghiệm máy thu gom rơm (thu gom rơm 60-80 công/ngày). 
                 Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác ngành KH&CH tỉnh cũng đạt được một số các kết quả nghiên cứu ứng dụng nổi bật. Trong phát triển được liệu, đã sản xuất thành công trên 5.000 viên nang và gói trà Đinh lăng có tác dụng phục hồi trí nhớ, tăng lực, phục hồi chức năng gan; phân lập và xác định được từ thân rễ ngải trắng 03 hợp chất có tác dụng chống ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa. Đối với lĩnh vực khoa học giáo dục, môi trường, đã xây dựng thành công bộ cơ sở dữ liệu số liệu quan trắc khí tượng thủy văn từ năm 1985 đến năm 2016, bộ cơ sở dữ liệu cấp độ rủi ro thiên tai cho tỉnh An Giang và bộ bản đồ khí hậu điện tử tỉnh An Giang; xây dựng bộ tài liệu dạy và học tiếng Chăm bậc tiểu học và THCS cho học sinh người Chăm tại An Giang.
 
               - Tài nguyên: Cơ bản hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020); hoàn thành công tác thẩm định Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2018 và Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020 (07/11 huyện); thực hiện và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về Thống kê đất đai năm 2017 tỉnh An Giang đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đo đạc, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các xã thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới và thị xã Tân Châu; triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh An Giang.
               Công bố các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020, ban hành Kế hoạch thực hiện tạo quỹ đất các dự án đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh: Tổng số dự án đã triển khai đến nay là 102 dự án (78 dự án chuyển tiếp, 24 dự án mới). Kết quả, đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng 27 dự án, đang triển khai thực hiện 75 dự án.
                Về quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tiếp tục triển khai các dự án thuộc Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt; hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang năm 2018 và Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; hoàn thành công tác đo đạc, cảnh báo sạt lở trên địa bàn tỉnh.
              - Môi trường: Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hoàn thành dự án Đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn I và Dự án đầu tư xử lý chất thải 06 bệnh viện trên địa bàn tỉnh; xây dựng Danh mục khu, điểm ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý trên địa bàn tỉnh An Giang và hoàn thành xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xử lý dứt điểm 04/71 khu, điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. 
              - Công tác thanh tra, kiểm tra: được thường xuyên thực hiện nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản, phòng chống thiên tai, đồng thời cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường, sạt lở… Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, các cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. 
7. Tuyên truyền, thông tin và truyền thông: 
               Nhiều hoạt động lĩnh vực thông tin – truyền thông được triển khai trong những tháng đầu năm. Xây dựng Đề án An Giang điện tử, thực hiện khai báo thuế qua mạng (100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký), triển khai lắp đặt 108 thiết bị đánh giá CBCC cấp xã và 108 thiết bị công bố thông tin cho 108 xã, phường, thị trấn (mỗi xã 02 thiết bị), qua đó, cơ quan hành chính cấp xã công khai, minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Về định hướng tuyên truyền, các cơ quan báo, đài, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, huyện và cổng thông tin điện tử thành phần toàn tỉnh đã tập trung tổ chức tuyên truyền các sự kiện, chủ trương chính sách, chỉ đạo điều hành nhằm đưa thông tin đến với người dân đầy đủ, nhanh chóng.
III. Lĩnh vực nội chính và quản lý nhà nước
               1. Công tác nội vụ - cải cách hành chính 
                - Tổ chức bộ máy: Tổ chức thi tuyển công chức bổ sung các đơn vị còn thiếu với 82 biên chế; Ban hành quyết định giao biên chế công chức với số lượng là 2.743 biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp là 34.425 người; ban hành Quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang; Tham mưu Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay đã ban hành các quyết định phê duyệt Đề án: thành lập Trung tâm Phát triển du lịch An Giang; Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Công thương;  Đề án tinh gọn bộ máy của Văn phòng UBND tỉnh An Giang; Tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện; Thành lập Hạt Kiểm lâm liên huyện trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm An Giang trên cơ sở tổ chức lại Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn và Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên; Công văn hướng dẫn các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tiếp tục hoàn chỉnh Đề án tinh gọn bộ máy bên trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; Sáp nhập Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện Chợ Mới
                - Cải cách hành chính: Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức. Trung tâm hành chính công của tỉnh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2018; là đầu mối tập trung thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đến nay, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 15.751 hồ sơ, trả kết quả 14.227 hồ sơ (đúng hạn 14.031 hồ sơ, trễ hạn 196 hồ sơ, đang xử lý 1.296 hồ sơ).
2. Công tác ngoại vụ
               Tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các Tổng lãnh sự quán các nước tại TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế của các nước. Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đến thăm và làm việc tại tỉnh; gặp gỡ Đại sứ quán Iran tại Hà Nội nhằm kết nối việc xuất khẩu mặt hàng gạo vào thị trường Iran; tham dự Hội nghị gặp gỡ An Giang Nhật Bản – khu vực ĐBSCL... 
               Quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên giới tiếp tục phát triển tốt, đã tổ chức họp định kỳ 6 tháng đầu năm  năm 2018 với 02 tỉnh Tàkeo, Kandal - Campuchia; tăng cường hợp tác công tác phòng chống tội phạm biên giới.
                Công tác lễ tân - lãnh sự được thực hiện nhanh, gọn, đảm bảo tính trọng thị, chu đáo; hướng dẫn và quản lý tốt hoạt động của các đoàn vào đoàn ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc, hoạt động nhân đạo, từ thiện và tác. Trong 9 tháng đầu năm, thực hiện thủ tục cho 361 đoàn với 1.203 người xuất cảnh đi nước ngoải; đồng thời tiếp nhận 158 đoàn với 748 người đến làm việc, học tập tại An Giang. 
3. Công tác tiếp công dân
                Trong 9 tháng đầu năm, các ngành, địa phương đã tổ chức tiếp 5.704 lượt công dân đến trình bày khiếu nại, khiếu kiện, giảm 14,9% (- 1.003 lượt) so cùng kỳ 2017. Nội dung chủ yếu là các vụ đeo bám phức tạp, kéo dài, các khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận mới 1.683 đơn thư khiếu nại, giảm 16,8% (325 đơn) so cùng kỳ, trong đó 1.141 đơn khiếu nại, 83 đơn tố cáo và 267 đơn kiến nghị phản ánh.
                 Kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: đơn không thuộc thẩm quyền 1.429 đơn; chuyển đến cô quan có thẩm quyền giải quyết 513 đơn; đơn thuộc thầm quyền giải quyết 187/234 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ gần 77%, đơn chưa giải quyết 56 đơn; 09/11 đơn tố cáo, đơn chưa giải quyết 02 đơn.
                 Ủy ban nhân dân tỉnh và Đoàn công tác liên ngành của Thanh tra Chính phủ thực hiện kiểm tra, rà soát 88 vụ khiếu nại phức tạp kéo dài, đã ban hành 14 quyết định giải quyết khiếu nại (12 hộ cam kết chấm dứt khiếu nại), ban hành 59 thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại.  
4. Công tác tư pháp
                 Hoạt động tư pháp 9 tháng đầu năm tập trung kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, triển khai các quy định mới của ngành. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quay phạm pháp luật giai đoạn 2014-2018; ban hành  quyết định quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đóng góp 31 dự thảo văn bản của bộ, ngành trung ương. 
                 Các Chương trình, kế hoạch về công tác phổ biến giáo dục pháp luật về cơ bản đều được thực hiện đúng yêu cầu, nội dung đề ra. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về hụi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt 100% uy ước tại 888 khóm, ấp. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình khá cao đạt 91,8%. Hoạt động công chứng, chứng thực ở các cấp nhìn chung được thực hiện tốt, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của tổ chức và công dân; công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp được thực hiện đúng quy định. 
5. Quốc phòng, an ninh trật tự và an toàn xã hội
                 Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai năm 2018. Duy trì nghiêm chế độ trực; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động chính trị, tuần tra kiểm soát giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ năm 2018 tỉnh An Giang.
                  Công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông được triển khai thực hiện nghiêm túc đạt hiệu quả cao; đặc biệt là thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công trấn áo các loại tội phạm đảm bảo an ninh trật tự trước trong và sau Tết Nguyên đán. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 228 vụ phạm pháp hình sự, giảm 15,56% so cùng kỳ; phát hiện bắt 876 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, giảm 19,49% so cùng kỳ; phát hiện bắt 105 vụ liên quan ma túy, tăng 29,63% so cùng kỳ, 325 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, giảm 26,2% so cùng kỳ; xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, làm 59 người chết, 34 người bị thương (trong đó có 01 vụ đường thủy nghiêm trọng, làm 02 người chết, 01 người mất tích của Đoàn Kiểm tra liên ngành, vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 10 người bị thương), so cùng kỳ 2017, số vụ giảm 20,3%, số người chết giảm 13,2%, số người bị thương giảm 26,1%; xảy ra 22 vụ cháy nhà dân, giảm 33,3% so cùng kỳ.
* Tình hình thiên tai:
                  Tính từ đầu năm, mưa giông làm thiệt hại 255 căn nhà người dân (các huyện Chợ Mới,  Phú Tân, Châu Phú, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thị xã Tân Châu và TP. Long Xuyên); trong đó, nhà sập  hoàn toàn 19 căn; bị tốc mái, xiêu vẹo 236 căn. Ngoài ra, về cơ sở hạ tầng: sập 03 cổng đèn hoa, gãy 04 trụ đèn sân bóng nhân tạo, ngã một số trụ điện, cổng chào, bảng hiệu... Ước tổng thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng.
                  Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 49 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch các địa phương như: An Phú, Thị xã Tân Châu, Châu Phú, TP. Long Xuyên, Chợ Mới, Phú Tân, với tổng chiều dài sạt lở 2.439 m, ảnh hưởng đến 91 căn nhà, trong đó 01 nhà sụp hoàn toàn và 07 căn bị sụp một phần xuống sông, Ước thiệt hại về đất hơn 4,2 tỷ đồng.
6. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh
                  Xác định năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2015-2020. Chíntháng đầu năm 2018, trong bối cảnh có những thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức…, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành theo Chương trình công tác ban hành từ đầu năm và những nội dung phát sinh bổ sung sát với tình hình thực tế của địa phương; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
                  Trong 9 tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức và tham dự 390 cuộc họp làm việc với các đơn vị liên quan; ban hành 3.675 văn bản chỉ đạo điều hành, trong đó có 2.345 quyết định. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 4.975 văn bản truyền đạt ý kiến Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực sau:
                - Tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt và quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão và dịch bệnh trên gia súc gia cầm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 tỉnh An Giang; chuẩn bị các nội dung sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 tỉnh An Giang… 
                - Làm việc với Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương  nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương như dự án đường tránh Quốc lộ 91 đi qua thành phố Long Xuyên, dự án đầu tư khu du lịch Núi Sam – Châu Đốc, dự án biến đổi khi hậu, bổ sung vốn các Quỹ tài chính của địa phương, hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp…  
                - Tiếp tục triển khai Nghị quyết 19 và 35/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Trung tâm hành chính công của tỉnh chính thức đi vào hoạt động, bước đầu hoạt động khá hiệu quả, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt trên 99%. Các chỉ số năng lực canh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả và quản trị công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index) đều tăng điểm và tăng hạng so củng kỳ. Tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, theo Nghị quyết 18 và 19–NQ/TW của Hội nghị TW 6 nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 
                 - Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018; đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất; Quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường bức xúc. 
                 - Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo còn tồn đọng; đẩy mạnh công tác tiếp và đối thoại với công dân…, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người nhằm ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tăng cường kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
                - Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh công tác chuẩn bị phục vụ các kỳ họp của Thường trực HĐND, HĐND tỉnh; quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng nội dung các văn bản trình Hội đồng nhân dân tỉnh, các báo cáo chuyên đề phục vụ công tác giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, những kiến nghị chính đáng của cử tri và ý kiến phản ánh của các tổ chức đoàn thể, mặt trận; khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại qua kết quả giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. 
IV. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
                 Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung khá khả quan, đạt được nhiều kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
               - Tình hình sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về đất đai, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. 
               - Kết quả các đề tài khoa học công nghệ cơ sở chưa được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất do còn thiếu kinh phí chuyển giao và chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập. 
 
Phần thứ hai
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018
 
I. Dự báo tình hình 3 tháng cuối năm
                Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Dự báo từ nay đến cuối năm 2018, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sẽ gặp nhiều thuận lợi. Giá các mặt hàng chủ lực của tỉnh như lúa, gạo, thủy sản ở thị trường nội địa và xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, cơ hội mở rộng thị trường và có thêm các hợp đồng xuất khẩu. Các Nghị quyết và các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, du lịch, xuất khẩu, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tiếp tục phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dự báo tỉnh sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước. Các biện pháp bảo hộ thị trường ở một số nước tiếp tục gia tăng sẽ là rào cản đối với các mặt hàng xuất khẩu. Hiện tượng sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch, lũ lụt sẽ còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
II. Một số nhiệm vụ trọng tâm
                Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2018, ngoài việc bám sát mục tiêu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo Nghị quyết HĐND tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện thị, thành phố tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:
1. Lĩnh vực kinh tế
                 - Từng ngành, địa phương thực hiện đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2018; rà soát, điều chỉnh, bổ sung giải pháp, tập trung chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
                 - Tiếp tục theo dõi và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2018 và Thu Đông. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn nhằm vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh dự báo giúp nông dân quản lý dịch hại đạt hiệu quả. 
                - Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn thú y, thủy sản nhằm đảm bảo về môi trường, chất lượng sản phẩm. Kiểm soát tốt tình hình thả nuôi mới cá tra, đảm bảo đúng quy hoạch.
                - Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; kế hoạch hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 
                - Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, vận động các hộ cá thể thành lập các hợp tác xã hay chi hội thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, ổn định được đầu ra sản phẩm, sản xuất theo kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp.
                - Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và dự báo thị trường (nhu cầu, thị hiếu, thị trường); từng bước nâng cao chất lượng và tạo uy tín thương hiệu cho nông sản địa phương đối với người tiêu dùng, đáp ứng xu thế phát triển của thị trường. Tăng cường quảng bá sản phẩm nông sản địa phương nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh việc tiêu thụ sản phẩm, nông sản của tỉnh phụ thuộc vào một thị trường chính. 
                 - Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế giá cả, lạm phát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Tăng cường thông tin thị trường, rào cản thương mại của các nước để giúp người dân và doanh nghiệp định hướng cho sản xuất.
                 - Tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân vốn đến cuối năm 2018 đạt trên 95% so kế hoạch đầu năm. Thường xuyên tổ chức kiểm tra triển khai đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án phục vụ các chương trình trọng điểm của tỉnh. 
                 - Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm hành chính công; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính và thời gian giải quyết thủ tục liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tổ chức tốt hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018.
                 - Kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; rà soát các lĩnh vực còn khả năng mở rộng và tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án cân đối ngân sách của tỉnh.
                 - Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch 73/KH-UBND ngày 08/2/2018 về phát triển doanh nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020; Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/2016 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh về thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tạo mọi điều kiện nhất là các hồ sơ, thủ tục có liên quan, đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai nhanh dự án đầu tư trên địa bàn. 
                  - Tiếp tục, thường xuyên thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện việc giám sát và công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ liên quan trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục thành lập mới, thay đổi, bổ sung nội dung đã đăng ký doanh nghiệp chỉ trong 01 ngày làm việc. 
2. Văn hóa – Xã hội
                  - Thực hiện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu của các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo, trên cơ sở đó có kế hoạch thực hiện cải tạo sửa chữa, mua sắm bổ sung kịp thời đảm bảo năm học mới 2018-2019.
                  - Tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng, các dịch bệnh trong mùa hè; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh, chú trọng nâng cao y đức đối với cán bộ y tế và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phối hợp bảo hiểm Y tế tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt trên 81%. Hoàn chỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.
                  - Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Triển khai Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) giai đoạn 2018-2020.
                  - Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch, nhất là khu du lịch cấp quốc gia Núi Sam sau công bố quy hoạch để sớm được công nhận chính thức.
                  - Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống sạt lở hiệu quả, không để thiệt hại về người; tăng cường giám sát tiến độ các cụm tuyến dân cư di dời các hộ dân nằm trong diện nhà bị sạt lở vào định cư, sinh sống.
                   - Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản, nhất là việc khai thác cát trái phép. Xây dựng và ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh An Giang. Thông qua kết quả khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
                   - Chú trọng bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các kế hoạch lĩnh vực môi trường trong thời gian tới (kế hoạch thu mẫu quan trắc môi trường; kiểm tra, giám sát mô hình xử lý chất thải; kế hoạch kiểm tra sau đánh giá tác động môi trường; rà soát, đề xuất danh mục khu vực môi trường bị ô nhiễm bổ sung vào danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường; kế hoạch kiểm tra hiện trạng và hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu môi trường trong Bộ tiêu chí nông thôn mới cho các xã điểm trong năm 2018). Báo cáo, đề xuất biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước đang xảy ra và gây bức xúc tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là các điểm gần khu công nghiệp và khu xử lý rác thải.
3. Lĩnh vực Nội vụ, an ninh quốc phòng
                  Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu tăng điểm và tăng hạng về các chỉ số (PCI, PAPI, Par index); triển khai đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19 Hội nghị TW 6; Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương.
                  Cũng cố đội ngũ y bác sĩ và nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhân dân. Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở; đầu tư mở rộng Bệnh viện Tim mạch tăng thêm 80 giường; tiến hành tạo quỹ đất khoảng 8ha đầu tư Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Tâm thần  và Lao.  
Hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2020 và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở thị trường thu nhập cao thông qua chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. 
Tăng cường chỉ đạo, xử lý các hoạt động trò chơi điện tử trá hình đánh bạc (game bắn cá); tín dụng đen… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội; xử lý các bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
                   Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
                   Chuẩn bị chu đáo các văn bản, báo cáo phục vụ kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh khoá IX và các nội dung giám sát của Hội đồng nhân dân, các Ban HĐND tỉnh. Tập trung thực hiện và trả lời các kiến nghị, chất vấn của đại biểu và cử tri còn tồn đọng qua các kỳ họp trước./.

 

các tin khác

Hình Ảnh