Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Kinh tế xã hội

An Giang: Bộ Công thương đánh giá cao kết quả thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới

04:29 17/07/2019

(CỔNG TTĐT AG)- Chiều ngày 16/7, Đoàn công tác của Bộ Công thương do ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang để kiểm tra kết quả thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 trên địa bàn tỉnh An Giang.
 

Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình thực hiện Nghị định số 14 và các văn bản pháp luật khác liên quan trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh An Giang đã công bố 1 cửa khẩu phụ là Cửa khẩu phụ Bắc Đai, huyện An Phú được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới và không có lối mở biên giới. Ngày 18/7/2018, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới tỉnh An Giang. Đến nay, trên địa bàn An Giang, chưa có trường hợp hàng hoá bị ùn tắt ở cửa khẩu phụ.... Thời gian qua, tỉnh An Giang cũng đã tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu tỉnh An Giang; thường xuyên duy trì tối tốt quan hệ hợp tác với Hải quan và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hai tỉnh Takeo, Kandal, Campuchia, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, giữ gìn an ninh chính trị, tạo điều kiện cho giao lưu thương mại, xuất khẩu hàng hóa và du lịch phát triển.

Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua 5 cửa khẩu của An Giang gồm: Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua 5 cửa khẩu của An Giang đạt 995 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Hiện có 201 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại 5 cửa khẩu biên giới tỉnh An Giang. Trong đó, có 37 doanh nghiệp trong tỉnh và 164 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hiện hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới trên địa bàn An Giang gồm: sắt, thép, phân bón, bách hoá tổng hợp...

Responsive image
 

Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết:  Thời gian qua, những chính sách miễn giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của thương nhân và cư dân biên giới trong hoạt động thương mại biên giới đã được xây dựng và thực thi; các thủ tục về thuế, trong đó có hoàn thuế xuất khẩu đang được thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân; chính sách phí, lệ phí tại cửa khẩu từng bước được thúc đẩy theo hướng một đầu mối thu, thống nhất mức thu và giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho thương nhân và cư dân biên giới...Hiện việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Chương trình mục tiêu hàng năm đã tạo điều kiều kiện thuận lợi cho tỉnh An Giang mời gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, thúc đẩy các hoạt động ngoại thương, nâng cao kim ngạch xuất - nhập khẩu…

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Hiện An Giang gặp khó khăn khi cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý Nhà nước chưa đầy đủ để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa khi làm thủ tục Hải quan tại một số cửa khẩu nên đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cũng cho biết: Hiện Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang lại là khu vực thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên khó thu hút đầu tư, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách Trung ương lại khá hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của khu kinh tế cửa khẩu rất lớn dẫn đến nhiều khu kinh tế cửa khẩu gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ điểu chỉnh Nghị định số 59/2016/NĐ - CP ngày 20/4/2018 về thủ tục khai báo Hải quan quy định đối với phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (container rỗng) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Vì hiện theo Khoản 22, Điều 1, Nghị định số 59 của Chính phủ chưa quy định cụ thể thời gian thực hiện đối với phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất liên thông, liên kết vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ logistics, cảng sông nhằm xóa bỏ dần khoảng cách và những bất lợi về mặt địa lý để An Giang thực sự là một trong những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Bởi theo UBND tỉnh An Giang: Hiện An Giang cách xa các trung tâm thành phố lớn, mặt khác hệ thống giao thông cầu, đường dẫn ra Khu kinh tế cửa khẩu, tuyến Châu Đốc - Vĩnh Xương, Châu Đốc - Khánh Bình còn hẹp và nhiều nơi xuống cấp, việc đi lại chưa thuận lợi, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của An Giang…

Responsive image
 

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà tỉnh An Giang đạt được trong thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới theo Nghị định số 14 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Riêng các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh An Giang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết đoàn công tác sẽ ghi nhận và sẽ có báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công thương giải quyết theo đúng thẩm quyền./.

 

Thanh Sang

các tin khác

Hình Ảnh