Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Kinh tế xã hội

Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016- 2020

11:16 30/05/2018

(Cổng TTĐT AG)- Thực hiện nghị quyết 136/NQ-HĐV của hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016- 2020 về Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016- 2020, Uỷ ban nhân dân 04 tỉnh Cà Mau, An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ đồng thuận ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 theo những nguyên tắc hợp tác nhất định.
 

Theo đó, đẩy mạnh mối quan hệ kinh tế- xã hội giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp của 4 tỉnh, thành phố. Trong đó 4 tỉnh, thành phố được ký kết sẽ  hợp tác trong 11 lĩnh vực cụ thể: Lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch; nông, lâm, thủy sản; tài nguyên và môi trường; công thương; xúc tiến đầu tư; đầu tư xây dựng; giao thông  vận tải; giáo dục và đào tạo; Đào tạo nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ và lĩnh vực thông tin và truyền thông.

 

Các địa phương tham gia thỏa thuận theo nguyên tắc thống nhất, bình đẳng, tự nguyện, cùng hướng đến lợi ích chung, phù hợp với quy định của pháp luật trong thực hiện hợp tác; phát triển kinh tế- xã hội phải phù hợp với nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, đảm bảo tính bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư; huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp, có bước tiến thích hợp từ thấp đến cao, theo từng giai đoạn cụ thể; phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng vùng, từng địa phương cơ quan, các tổ chức cơ quan, các tổ chức liên quan trong chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ.

 

Cần ưu tiên việc lập, tổ chức thực hiện các quy hoạch cấp vùng; có giải pháp hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, nhằm phát huy thế mạnh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề trên địa bàn, tránh sự trùng lặp, kém hiệu quả; kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện các công trình trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố trên cơ sở định hướng, lĩnh vực thỏa thuận hợp tác chung của 4 tỉnh, thành phố, tiến hành xác định, ký kết, triển khai những nội dung hợp tác cụ thể, đảm bảo hiệu quả kinh tế- xã hội của 4 tỉnh, thành phố đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của khu vực và cả nước; định kỳ ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hàng năm, các sở, ngành, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về văn phòng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương mình.

 Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, thành phố kết nối các hoạt động giữa 4 tỉnh, thành phố; làm cơ quan đầu mối phối hợp, tổng hợp báo cáo và đề xuất lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố quyết định các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể và cơ chế, giải pháp thực hiện.

Thường xuyên cung cấp thông tin và chỉ đạo các ngành, các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn của nhau; Định kỳ 5 năm 2 lần lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá việc thực hiện các nội dung hợp tác để rút kinh nghiệp tăng cường chỉ đạo các quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả; Xin ý kiến Trung ương về việc thành lập Qũy hỗ trợ phát triển kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên kết./.

 

Như Hùng

các tin khác

Hình Ảnh