Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Hỗ trợ doanh nghiệp

Hội nhập kinh tế quốc tế: Một số điều doanh nghiệp cần lưu ý trong hoạt động thương mại

03:08 31/10/2019

(Cổng TTĐT AG)- Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Vấn đề thương mại toàn cầu cũng trở nên hết sức quan trọng.
 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang – Phan Lợi cho biết: Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 đã mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là sự kiện đánh dấu bước hội nhập toàn diện của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Tính đến tháng 04/2019, Việt Nam đã tham gia thiết lập 16 Hiệp định thương mại tự do với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.

Trong 16 Hiệp định thương mại tự do, có 6 FTA thế hệ mới là Hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định CPTPP (tiền thân là TPP). Đây là các FTA thế hệ mới với diện cam kết rộng và mức cam kết sâu, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, các nước tham gia còn cam kết trên nhiều lĩnh vực khác như mua sắm Chính phủ, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư…


* Một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động thương mại

Theo ông Nguyễn Quang Phúc – Nguyên Trưởng phòng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều lợi ích nhưng đối với doanh nghiệp sẽ vừa là cơ hội và cũng là thách thức. Nghĩa là, khi doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế trong các chính sách ưu đãi thuế quan của các hiệp định mà Việt Nam đang ký kết để tăng xuất khẩu hàng hóa thì là cơ hội; ngược lại, khi không tận dụng được những lợi thế ưu đãi thuế quan thì hàng hóa các nước tham gia hiệp định sẽ tràn vào thị trường Việt Nam và như thế chúng ta không bảo hộ được hàng hóa trong nước.

Do đó, doanh nghiệp cần nắm nội dung và các ưu đãi của các hiệp định, tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu và phải nắm được cơ bản cách khai báo xuất xứ hàng hóa (C/O); việc xác định mã HS của hàng hóa và các lưu ý trong thanh toán quốc tế.

* C/O và các lưu ý của C/O trong xuất khẩu hàng hóa

Responsive image
 

C/O là từ viết tắt của “Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá” - Certificate of Origin. C/O là chứng từ quan trọng trong thương mại quốc tế chứng nhận lô hàng cụ thể được xuất khẩu có xuất xứ thuần túy, hoặc được sản xuất hoặc được chế biến tại một quốc gia cụ thể.

Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Theo đó hàng hóa sản xuất từ các nước có ký FTA sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. 

Theo ông Nguyễn Quang Phúc – Nguyên Trưởng phòng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Trong bất kỳ hiệp định nào cũng có 1 chương quy định xuất xứ hàng hóa; riêng trong CPTPP có đến 2 chương quy định C/O là chương 3 và chương 4. Vì vậy, xác định xuất xứ hàng hóa là khâu hết sức quan trọng; xác định được xuất xứ của hàng hóa sẽ có thể phân biệt đâu là hàng được hưởng ưu đãi để áp dụng chế độ ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia.

Cách xác định xuất xứ hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi được hướng dẫn trong Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó, Bộ trực tiếp cấp toàn bộ các Form C/O ưu đãi. Đối với toàn bộ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi đều do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cấp. Với cơ chế cấp C/O này doanh nghiệp có thể chờ từ 4h đến 8h làm việc để có được C/O.

Ngoài ra, đối với xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, doanh nghiệp cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là hình thức tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tức được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho C/O mẫu D. Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa này được áp dụng khi doanh nghiệp xuất khẩu sang bốn nước ASEAN là Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Hiện theo Thông tư số 27/2017/TT-BCT, doanh nghiệp vừa và nhỏ trở lên được tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, để được tự chứng nhận, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí theo quy định. Danh sách các Nhà xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Dự án thí điểm Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa số 2 của ASEAN và danh sách nhà xuất khẩu được Bộ Công thương cập nhật định kỳ tại Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys

Với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ giảm được thời gian xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ. Nhờ đó tạo thuận lợi cho kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí giao dịch... tuy nhiên các thủ tục liên quan đến C/O đều phải tự chủ động như xử lý các nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O… phục vụ cho công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan…/.

 

Nguồn tham khảo: 
1. Tài liệu Hội nghị phổ biến thông tin hội nhập kinh tế quốc tế tại An Giang
2. Thông tin của Cổng thông tin Bộ Công thương, https://www.moit.gov.vn/
3. Thông tin của website Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại HCM,  https://vcci-hcm.org.vn
4. Thông tin của Tổng cục Hải quan, https://www.customs.gov.vn
5. Các văn bản QPPL liên quan.

Phan Thanh

các tin khác

Video

Đăng ký định danh tổ chức
An Giang Không gian mới giá trị mới
Đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng.

Hình Ảnh