Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Hỗ trợ doanh nghiệp

Vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19: Doanh nghiệp cần quan tâm tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh

08:58 03/06/2020

(Cổng TTĐT AG)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID - 19, nhưng chỉ tiêu xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 của tỉnh An Giang tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ 2019.
 

Tuy mức tăng chưa đạt kịch bản tăng trưởng của tỉnh đã đề ra, nhưng để hoàn thành kế hoạch năm, tỉnh An Giang đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực như gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh sang các thị trường trọng điểm và đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 của An Giang ước đạt 358,43 triệu USD, tăng 0,08 % so cùng kỳ năm trước, bằng 38,54 % so với kế hoạch năm. 

Kế hoạch cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của An Giang là 930 triệu USD, tăng 4,49 % so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2020 đạt 450,46 triệu USD, tăng 4,06 % so cùng kỳ. 

Trong 5 tháng đầu năm, một số mặt hàng chủ lực của An Giang như gạo, thuỷ sản, rau quả đông lạnh, may mặc do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 nên xuất khẩu gặp áp lực rất lớn. Tuy dịch bệnh có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo, nếp của An Giang nhưng không nhiều, do An Giang chỉ có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc. 

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 197,89 nghìn tấn, tương đương 102,80 triệu USD, đạt 43,95 % kế hoạch năm 2020. Ước xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 của An Giang đạt 264,43 nghìn tấn, tương đương 138,85 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 4,93 % về lượng và tăng 8,05 % về kim ngạch.

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn tại An Giang có sản lượng xuất khẩu giảm mạnh từ 40% - 50 %, khiến các doanh nghiệp đối mặt việc tồn kho, tốn kém thêm chi phí bảo quản, kinh doanh không hiệu quả. 

Tuy gặp khó nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp An Giang vẫn vượt khó khăn, duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho công nhân và giữ thị trường.

5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản An Giang ước đạt 49,40 nghìn tấn, tương đương 119,09 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 0,03 % về lượng và tăng 0,47 % về kim ngạch. Ước xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 60,68 nghìn tấn, tương đương 146,28 triệu USD, tăng 1,14 % về lượng và tăng 1,58 % về kim ngạch so với cùng kỳ.

Rau quả đông lạnh, 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu ước đạt 3,59 nghìn tấn, tương đương 6,08 triệu USD; bằng 99,25 % về lượng và tăng 0,16 % về kim ngạch so với cùng kỳ. Hàng may mặc như: quần áo, ba lô... ước xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu đạt 52,57 triệu USD, tăng 2,98 % về kim ngạch so với cùng kỳ.

Trong tháng 5/2020 do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ và châu Âu, nên cũng ảnh hưởng xuất khẩu hàng may mặc vào hai thị trường này. Ước xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 63,84 triệu USD, tăng 2,97% so cùng kỳ.

Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó, Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua An Giang thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực chính ngạch của tỉnh sang các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu..; xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường cho hàng hóa, nông sản xuất khẩu An Giang; thường xuyên cập nhật thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu về tình hình thị trường gạo, thủy sản để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.

Ngành công thương cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; xem xét miễn, giảm lãi vay, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính của đơn vị; cho vay mới theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh An Giang cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách, các ngân hàng còn gặp một ít khó khăn do khách hàng vay còn e ngại cung cấp thông tin. 

Để được hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ; các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại minh bạch tài chính, chứng minh khả năng thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. 

Đây là cơ sở để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đồng thời cũng bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng góp phần phục hồi phát triển kinh tế.  

Ông Nguyễn Tuấn Dũng cũng cho rằng, các doanh nghiệp An Giang cần quan tâm tận dụng cơ hội để tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, đồng thời doanh nghiệp cần chủ động phát triển đủ khả năng thích ứng với biến động của thị trường./.

 

Thanh Sang

các tin khác

Hình Ảnh