Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Quy hoạch - Kế hoạch phát triển KT-XH

Tình hình KT-XH 9 tháng 2020, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm

10:06 21/10/2020

Báo cáo số 626/BC-UBND ngày 13/10/2020 về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020
 

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 của tỉnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo suy thoái, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; Thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán xuất hiện sớm, tình hình sạt lở diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân... Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, cùng với sự tập trung lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành đã hạn chế được một số thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 có tăng trưởng, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội, cải cách hành chính vẫn có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cụ thể như sau:

Do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ước tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 2,45% (cùng kỳ tăng 6,40%), là mức tăng thấp nhất trong các năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,27%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,11%); Khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 6,85% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,10%); khu vực dịch vụ tăng 1,40% thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,25%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,90% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,40%).

Về cơ cấu kinh tế 9 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 29,58%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,39%; khu vực dịch vụ chiếm 54,21%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm chiếm 1,82% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 lần lượt là: 28,38%; 14,16%; 55,63% và 1,83%).

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Sản xuất Nông, Lâm, Thủy sản và phát triển nông thôn

a) Nông nghiệp

- Về trồng trọt: Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, diện tích gieo trồng toàn tỉnh được 501,8 ngàn ha (bao gồm vụ Mùa, Đông Xuân và vụ Hè Thu), đạt 99,46% so với kế hoạch và bằng 98,68% so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,7 ngàn ha). Năng suất lúa thu hoạch bình quân chung của 3 vụ ước đạt 64,3 tạ/ha (tăng 0,46 tạ/ha so với cùng kỳ). Tính chung sản lượng 9 tháng đầu năm đạt gần 2,993 triệu tấn, bằng 100,03% so cùng kỳ (tăng 943 tấn).

Hoa màu các loại gieo trồng 36,4 ngàn ha, đạt 90,36% kế hoạch và bằng 91,41% so với cùng kỳ (giảm 3.422 ha).

Cây lâu năm: Diện tích hiện có đạt hơn 18,9 ngàn ha (trong đó trồng mới 500 ha), bằng 107% so với cùng kỳ năm trước (tăng 1.242 ha). Ước sản lượng thu hoạch đạt hơn 168 ngàn tấn, tăng 14,25% (tăng hơn 21.000 tấn).

- Chăn nuôi: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đàn giá súc trên địa bàn tỉnh giảm. Đàn trâu bò toàn tỉnh có khoảng 69,5 ngàn con, bằng 94,7% so với cùng kỳ (giảm 3.884 con), trong đó đàn bò có 67,4 ngàn con, bằng 94,98% (giảm 3.561 con) so với cùng kỳ; Đàn heo hiện có khoảng 84 ngàn con bằng 88,42% so với cùng kỳ; Đàn gia cầm có 4,6 triệu con bằng 102,18% so với cùng kỳ.

Ước sản phẩm chăn nuôi 9 tháng năm 2020 đạt gần 20,8 ngàn tấn, bằng 83,66% (giảm 4 ngàn tấn) so với cùng kỳ.

b) Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác ước được 25.510 m3, bằng 99,88% so với cùng kỳ và 200.765 ster củi bằng 96,64% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản: Trong 9 tháng năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp nên các hộ nuôi và doanh nghiệp thực hiện cắt giảm thức ăn nhằm kéo dài thời gian nuôi, chờ giá tăng dẫn đến diện tích thu hoạch giảm.

Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2020, đạt 380,4 ngàn tấn, bằng 67,02% so kế hoạch năm và bằng 99,38% so với cùng kỳ (giảm 2.370 tấn). Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 11 ngàn tấn, bằng 56,22% so với kế hoạch năm và bằng 80,98% (giảm 2.590 tấn) so cùng kỳ; Nuôi trồng đạt 369,4 ngàn tấn, bằng 67,40% so với kế hoạch năm và bằng 100,06% (tăng 214 tấn) so với cùng kỳ năm 2019.

d) Tình hình thực hiện Chương trình MTQG Nông thôn mới:  Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 51,2% tổng số xã. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chọn 28 xã điểm và 02 huyện Chợ Mới và Châu Thành tập trung đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

2. Lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng

a) Sản xuất công nghiệp: Tính chung 9 tháng năm 2020, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 4,06% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ  năm trước tăng 8,98%); trong đó, tăng cao hơn mức tăng chung và tăng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước nóng và điều hòa không khí tăng 26,31%; khai khoáng tăng 11,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,81%; ngành ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,58%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu thực hiện 9 tháng năm 2020 có tăng so cùng kỳ năm trước là: Đá xây dựng khác đạt 4,37 triệu m3, tăng 11,9%; phi lê đông lạnh đạt 112.087 tấn, tăng 3,1%; gạo ước xuất đạt 1,32 triệu tấn, tăng 5,7%; áo sơ mi cho người lớn xuất đạt 26,1 triệu cái, tăng 13%; giày, dép có đế đạt trên 18 triệu đôi, tăng 21,4%; xi măng Portland đen đạt 333,2 ngàn tấn, tăng 25,8%; điện thương phẩm đạt 2.465 triệu Kwh, tăng 4,7%; điện mặt trời đạt 232 triệu Kwh, tăng 236,9%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 6,7%....

b) Đầu tư xây dựng: Giá trị giải ngân 9 tháng đầu năm 2020 được 3.146,6 tỷ đồng, đạt 65,21% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (4.825,3 tỷ đồng) và đạt 59,25% kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2020 (5.310,7 tỷ đồng). So cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân 59,25% cao hơn 2,87% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ 56,38%). Trong đó: (1) vốn đầu tư tập trung 851,8 tỷ đồng, đạt 62,41% kế hoạch; (2) vốn thu sử dụng đất 356,6 tỷ đồng, đạt 118,86% kế hoạch; (3) vốn xổ số kiến thiết 991,7 tỷ đồng, đạt 52,68% kế hoạch; (4) vốn bội chi ngân sách địa phương 46,8 tỷ đồng, đạt 38,26%; (5) vốn ngân sách trung ương (CTMTQG và các chương trình mục tiêu) 659,7 tỷ đồng, đạt 66,55% kế hoạch; (6) vốn nước ngoài 239,9 tỷ đồng, đạt 36,93% kế hoạch.

3. Thương mại – Du lịch

a) Thương mại – Dịch vụ: Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 179.410 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,37%, trong đó, bán buôn đạt 86.730 tỷ đồng, tăng 4,27%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 92.680 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,53%, xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 73.971 tỷ đồng (tăng 8,62%); Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 12.402 tỷ đồng (bằng 77,37%); Doanh thu du lịch lữ hành đạt 22 tỷ đồng (bằng 62,62%); Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 6.285 tỷ đồng (tăng 0,96%).

b) Hoạt động du lịch: An Giang có 97 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 06 khách sạn 3 sao, 07 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao), 13 công ty lữ hành (11 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 02 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa), 01 công ty vận chuyển đường thủy, 03 công ty vận chuyển đường thủy, 15 địa điểm tham quan (trong đó có 02 khu du lịch cấp tỉnh Núi Cấm, 01 khu du lịch quốc gia Núi Sam và 02 điểm du lịch).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 5 triệu lượt khách (giảm 40% so với cùng kỳ, ước đạt 77% so với kế hoạch). Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 220 nghìn lượt (giảm 60% so với cùng kỳ, ước đạt 63% so với kế hoạch); Lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 340 nghìn lượt; Khách quốc tế ước đạt 14,2 nghìn lượt (giảm 80% so với cùng kỳ, ước đạt 36% so với kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.200 tỷ đồng, (giảm 35% so với cùng kỳ, ước đạt 80% so với kế hoạch).

4. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 681,2 triệu USD, tăng 3,42% so với cùng kỳ, bằng 73,24% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng chủ yếu như sau: Thuỷ sản đông lạnh, xuất 89.594 tấn, tương đương 215,5 triệu USD, tăng 0,94% về lượng và tăng 1,16% về kim ngạch; Gạo xuất được 386.850 tấn, tương đương 209,6 triệu USD, tăng 8,55% về lượng và tăng 16,87% về kim ngạch; Rau quả đông lạnh xuất được 6.999 tấn, tương đương 12 triệu USD, tăng 1,43% về lượng và tăng 3,45% về kim ngạch; Hàng may mặc xuất đạt 72,6 triệu USD, tăng 3,02%; Giày dép các loại xuất đạt 20,3 triệu USD, giảm 5,14%; Hàng hóa khác đạt 98,6 triệu USD, giảm 10,98%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 123,6 triệu USD, tăng 5,66% so cùng kỳ, bằng 68,67% so với kế hoạch năm 2020.

5. Tài chính - Ngân hàng

a) Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn 9 tháng đầu năm 2020 được 5.555 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán, bằng 99,9% so cùng kỳ, gồm: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 142 tỷ đồng, đạt 59,3% dự toán và bằng 32,1% so cùng kỳ; Thu nội địa: 5.413 tỷ đồng, đạt 83,1% dự toán, bằng 105,8% so cùng kỳ; nếu không kể số thu tiền sử dụng đất, thu Xổ số kiến thiết thì ước thực hiện là 3.449 tỷ đồng, đạt 73,9% dự toán và bằng 102,9% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm 2020 là 10.403 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, bằng 116,5% so cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển: 3.171 tỷ đồng, đạt 66,2% dự toán, bằng 147,6% so cùng kỳ; Chi thường xuyên: 7.227 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán, bằng 106,6% so cùng kỳ.

b) Ngân hàng

Tổng số dư vốn huy động ước thực hiện tháng 9 năm 2020 là 55.699 tỷ đồng, so cuối năm 2019 tăng 02,73%; trong đó huy động trên 12 tháng 19.123 tỷ đồng, chiếm 34,33%/tổng số dư vốn huy động.

Tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối tháng 9 năm 2020 là 74.902 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng 3,2%. Trong đó: Dư nợ ngắn hạn là 52.993 tỷ đồng chiếm 70,75%. Dư nợ trung, dài hạn là 21.909 tỷ đồng chiếm 29,25%.

6. Phát triển doanh nghiệp – thu hút đầu tư

- Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Trong 9 tháng đầu năm 2020 có 571 doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,59% so với cùng kỳ (tương đương 50 doanh nghiệp) và 348 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động giảm 1,13% so với cùng kỳ (tương đương giảm 04 đơn vị trực thuộc); tổng số vốn đăng ký là 4.049 tỷ đồng tăng 19,75% so với cùng kỳ (tương đương tăng 667 tỷ đồng). Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 77 doanh nghiệp, giảm 20,61% so với cùng kỳ (giảm 20 doanh nghiệp); số đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động là 112 đơn vị trực thuộc, giảm 13,84% so với cùng kỳ (giảm 18 đơn vị trực thuộc); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 205 doanh nghiệp, tăng 9,04% so với cùng kỳ (tăng 17 doanh nghiệp); Số đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động là 50 đơn vị trực thuộc, giảm 1,96% so với cùng kỳ (tăng 01 đơn vị trực thuộc).

Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp đăng ký là 10.656 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 64.479 tỷ đồng và 5.432 đơn vị trực thuộc. Trong đó, còn 5.545 doanh nghiệp và 3.278 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 53.249 tỷ đồng.

- Tình hình thu hút đầu tư: Trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 42 dự án đăng ký đầu tư mới, gồm: 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 41 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 7.177 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, số dự án chiếm 79,2% (giảm 11 dự án), nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 9,18% (tăng 603 tỷ đồng).

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực (trong đó có 07 dự án thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế quản lý), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 272.384.958 USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là 158.814.155 USD (chiếm 56,31% tổng vốn đầu tư đăng ký).

- Hỗ trợ doanh nghiệp: Tỉnh đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

+ Ngành Thuế thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ; Áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo Nghị định của Chính phủ  giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước; Chính sách điều chỉnh tăng giá điện đầu vào từ Tổng công ty Điện lực cho công ty điện lực An Giang; Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng ; Giảm thu phí và lệ phí do chính sách mới và điều chỉnh giảm phí và lệ phí của Bộ Tài chính.

+ Các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho 56.448 khách hàng với tổng số tiền là 30.803 tỷ đồng (chiếm 41,12% tổng dư nợ toàn tỉnh), trong đó: Dư nợ được miễn, giảm lãi vay: 4.252 tỷ đồng với 3.801 khách hàng, tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi vay là 7,3 tỷ đồng; Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: 1.238 tỷ đồng, với 6.992 khách hàng; Cho vay mới: 25.314 tỷ đồng với 45.655 khách hàng.

II. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

1. Giáo dục và Đào tạo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Năm 2020, An Giang có 39 điểm thi, có 15.226 thí sinh dự thi (trong đó có 1.967 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, 601 thí sinh chỉ tuyển sinh đại học và 12.698 thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng), không có thí sinh hoặc cán bộ coi thi vi phạm qui chế. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh là 99,57% (trong đó: THPT đạt 99,9%, GDTX đạt 93,09%).

 Đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 dưới hình thức trực tuyến. Tỉnh ban hành Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh đồng thời ngành cũng sẽ ban hành Hướng dẫn nhiệm vụ các ngành học, cấp học, các nhiệm vụ chuyên đề năm học 2020-2021 để các đơn vị căn cứ xây dựng Kế hoạch hoạt động trong năm học mới.

2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.758 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 60,92% so cùng kỳ  (không tử vong); 532 ca mắc tay chân miệng, giảm 55,29% so cùng kỳ (không có tử vong). Hoạt động y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng tiếp tục được duy trì. Ngành đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là Sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng, bệnh Tả, Cúm A/H5N1. Bệnh Viêm đường hô hấp Covid-19 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và phương tiện đường thủy vận chuyển nội địa đi từ địa phương có dịch bệnh đến Cảng Mỹ Thới; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phòng chống bệnh trong nhân nhân, tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kiểm dịch y tế biên giới. Các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm;

3. An sinh xã hội, giảm nghèo, lao động việc làm

- Lao động, việc làm: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp gần 19.750 người, đạt tỷ lệ 79% kế hoạch năm, gồm: cao đẳng 890 sinh viên; trung cấp 1.928 học sinh; sơ cấp 7.720 học viên và đào tạo dưới 3 tháng 9.212 học viên.

- Thực hiện chính sách đối với người có công: Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phong trào chăm lo cho người có công với cách mạng. Lũy kế từ đầu năm đã giải quyết di chuyển 13 hài cốt liệt sĩ về quê nhà, đồng thời hỗ trợ kinh phí cất bốc với số tiền 71.480.000 đồng. Cải táng 99 hài cốt liệt sĩ được Đội K90, K93 quy tập trong, ngoài nước tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (H.Tịnh Biên); Thực hiện chính sách trợ cấp tết Canh tý năm 2020 cho 131.834 người có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng; Tiếp tục trợ cấp thường xuyên cho 83.541 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng với tổng kinh phí trên 35,473 tỷ đồng.

- Giảm nghèo, bảo trợ xã hội: Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ[1]. Tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội[2].

4. Văn hoá, thể thao

- Hoạt động văn hóa, văn nghệ: Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, dịp kỷ niệm của dân tộc, lễ hội truyền thống của địa phương rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, địa bàn trong tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Bảo tàng tỉnh đón tiếp 4.100 lượt khách tham quan (270 lượt khách quốc tế); Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đón tiếp 26.205 lượt khách (560 lượt khách quốc tế).

- Hoạt động thể dục - thể thao:

+ Thể dục thể thao quần chúng: Nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh, thiết thực, bổ ích trong nhân dân và phục vụ trước, trong và sau dịp mừng Đảng – mừng Xuân Canh Tý năm 2020 và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, toàn tỉnh tập trung tổ chức sôi nổi các hoạt động thi đấu thể dục thể thao, thu hút trên 7.500 lượt VĐV và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và cổ vũ.

+ Thể thao thành tích cao: Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao đang tập trung đào tạo, huấn luyện 538 VĐV tại 15 môn thể thao (121 VĐV đội tuyển, 126 VĐV đội trẻ, 291 VĐV năng khiếu). Các đội tuyển thể thao thành tích cao đã cử 269 lượt VĐV thi đấu tại các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia, kết quả đoạt được 206 huy chương các loại (63 HCV – 69 HCB – 74 HCĐ).

5. Khoa học và Công nghệ

Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới và đạt nhiều thành tựu, được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm và ứng dụng. Công tác quản lý kiểm tra, giám sát các đề tài, dự án, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm đang triển khai được thực hiện chặt chẽ. Tiếp tục hỗ trợ thực  hiện 76 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (33 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); Tiếp tục thực hiện 30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang triển khai trên địa bàn tỉnh (trong đó có 14 nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

6. Tài nguyên - Môi trường

Công tác quan trắc môi trường, quan trắc xâm nhập mặn được thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ theo Kế hoạch. Kết quả quan trắc từng đợt được công bố theo quy định. Đầu tư trang bị lắp đặt 7 trạm quan trắc tự động môi trường, nước mặt và xâm nhập mặn, đầu tư nâng cấp 01 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt theo dự án được duyệt.

Thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải đạt 80% trên địa bàn 154/156 xã, phường, thị trấn (tăng 20% so với kỳ trước); triển khai theo kế hoạch công tác thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn 05 huyện, thành phố (huyện Phú Tân, huyện Chợ Mới, huyện Tri Tôn, thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc).

Thường xuyên thực hiện nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản, phòng chống thiên tai, đồng thời cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường, sạt lở… Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, các cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

7. Thông tin và truyền thông

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hệ thống chính trị, hội nghị và chỉ đạo trực tuyến; Đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến: Các dịch vụ công, giáo dục, khám chữa bệnh, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, bưu chính công ích, ứng dụng về khai báo sức khoẻ y tế toàn dân NCOVI, cài đặt ứng dụng Bluezone – (Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần) nhằm bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng chống Covid….; Giám sát không gian mạng bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí giá cước dịch vụ khi người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian phòng, chống dịch Covid (từ ngày 01/4/2020 đến 30/6/2020).

Đến nay, thủ tục hành chính của các sở, ngành, huyện, xã đã được đưa vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để xử lý hồ sơ qua mạng đạt 100%, đồng thời phát động thi đua ứng dụng Công nghệ thông tin gắn với Cải cách hành chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Trong 9 tháng đầu năm 2020, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích trên 39.540 hồ sơ, tổng số hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trên 17.672 hồ sơ. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và đồng thời trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 841 hồ sơ.

III. Lĩnh vực nội chính và quản lý nhà nước:

1.  Công tác cải cách hành chính:

Tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết 18, 19, Hội nghị Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, tổng hợp báo cáo công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức chưa đúng quy định theo Kết luận Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ để xử lý.

Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức.

Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 07 bậc so năm 2018; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) đạt xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố, giảm 3 bậc so năm 2018); Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 hạng so với năm 2018.

2. Công tác Thanh tra tiếp công dân:

Đến ngày báo cáo, các ngành, địa phương đã tổ chức tiếp 5.495 lượt công dân đến trình bày khiếu nại, khiếu kiện, giảm 14% so cùng kỳ (930 lượt), chủ yếu về tranh chấp đất đai, chính sách đền bù; nhận mới 1.693 đơn, tăng 8% so cùng kỳ (134 đơn), trong đó 1.003 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo, 684 đơn kiến nghị. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại được 122/184 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền; 05/06 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền.

Toàn ngành đã tiến hành 60 cuộc thanh tra, gồm 41 cuộc theo kế hoạch và 19 cuộc đột xuất, đã kết thúc 43 cuộc và ban hành 43 kết luận. Quá đó, phát hiện 28/89 đơn vị sai phạm với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và 9.694m2 đất; kiến nghị thu hồi gần 914 triểu đồng, 06 giấy CNQSDĐ, xử lý hành chính 17 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 01 vụ 02 đối tượng.

3.  An ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội

- Công tác tuyển quân năm 2020 được tổ chức thành công, toàn tỉnh có 1.250 thanh niên nhập ngũ và 221 thanh niên thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Trong tổng số 1.471 thanh niên có có 17 đảng viên, 107 thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chiếm hơn 7% tổng số thanh niên nhập ngũ.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường phòng chống tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 195 vụ phạm pháp hình sự, giảm 14,9% so cùng kỳ; phát hiện bắt giữ 1.228 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tăng 40%, trị giá 21,7 tỷ đồng; phát hiện bắt 171 vụ liên quan đến 272 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, tang 35,7% so cùng kỳ; xảy ra 15 vụ cháy, ước thiệt hại 7,8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/9/2020, toàn tỉnh xảy ra 58 vụ tai nạn giao thông, làm 62 người chết, 15 người bị thương, so cùng kỳ số vụ tăng 19 (+43,2%), số người chết tăng 25 người (+ 60%), số người bị thương giảm 04 người (-21,1%).

4. Tình hình thiên tai:

Tính từ kế từ đầu năm mưa dông làm ảnh hưởng 594 căn nhà  (trong đó: sập hoàn toàn là 40 căn; tốc mái, siêu vẹo là 554 căn), ước thiệt hại khoảng 7,9 tỷ đồng.  Ngoài ra, mưa giông còn làm tốc mái Trạm Y tế xã, ngã trụ điện và hư hỏng một số công trình công cộng, ...

Xảy ra 44 điểm sạt lở, với chiều dài là 3.013 m, làm ảnh hưởng đến 95 căn nhà của người dân sống trong khu vực (trong đó: có 01 căn sụp xuống bờ sông, 06 căn bị sụp một phần). Ước thiệt hại về đất  khoảng 5,72 tỷ đồng.

IV. Một số tồn tại, khó khăn

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của người dân. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng đầu năm tăng 2,45%, là mức tăng thấp so nhiều năm qua.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị đình trệ; thu ngân sách giảm so cùng kỳ. Ngành du lịch của tỉnh giảm về số lượt khách lẫn doanh thu. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tội phạm ma túy, tai nạn giao thông xảy ra tăng so cùng kỳ 2019.

 

Phần thứ hai

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020

 

 
 

 

 

 

 

Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình công tác năm 2020 và trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong 9 tháng đầu năm. Các Sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:

 

I. Lĩnh vực kinh tế

 - Theo dõi, chỉ đạo đảm bảo an toàn, thắng lợi sản xuất vụ Thu Đông. Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo công tác xuống giống vụ Đông Xuân 2020-2021. Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn thú y, thủy sản nhằm đảm bảo về môi trường, chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giống, vật nuôi phù hợp thị trường và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đồng thời triển khai nhanh kế hoạch tái đàn để đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu tăng nhanh vào những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung làm giá cả tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây mất ổn định cho nền kinh tế.

Tiếp tục phối hợp các ngành tham mưu kịp thời công tác phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông; có giải pháp kịp thời hỗ trợ các hộ dân di dời khỏi vùng chịu ảnh hưởng; tích cực tranh thủ TW hỗ trợ cho tỉnh khắc phục những thiệt hại do sạt lở.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; kế hoạch hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế giá cả, lạm phát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19, cập nhật thông tin về thị trường (nhất là thị trường Trung Quốc),... để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Triển khai có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

- Tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa - An Giang năm 2020, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa của tỉnh, thu hút lượng khách tham quan du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tích cực khởi động lại hoạt động du lịch sau dịch Covid-19.

- Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia... Tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm, các công trình - dự án chậm tiến độ và tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp, các công trình - dự án của các xã điểm xây dựng nông thôn mới để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...). Thực hiện tốt việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. 

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, hoàn thành công tác điều tra, phân tích dữ liệu chỉ số DDCI.

- Tập trung giám sát các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục hành chính, triển khai dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư. Tổ chức triển khai các cơ chế chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng (sửa đổi)…nhằm huy động có hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, chú trọng phát triển thương mại điện tử trong điều kiện nền kinh tế - xã hội chịu tác động của Covid-19.

- Thực hiện tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu ngân sách từ nay đến cuối năm 2020; cân đối ngân sách đảm bảo thực hiện công tác phòng chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế, thực hiện tốt công tác hoàn thuế, kịp thời phát hiện các đối tượng có dấu hiệu gian lận thương mại để thanh tra, kiểm tra thuế. Quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách cho đầu tư và sự nghiệp, nhằm hạn chế đầu tư kém hiệu quả và lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

II. Văn hóa, xã hội

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tuyến biên giới. Chủ động phòng chống hiệu quả các dịch bệnh lưu hành tại địa phương, tập trung phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng, cảnh giác bệnh Tả, Cúm A/H5N1, Viêm não virus, các dịch bệnh mùa hè.

- Thực hiện toàn diện và đầy đủ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội; tập trung thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về lao động, việc làm cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19.

- Tiếp tục nâng cao chất lương giáo dục ở các cấp học. Thực hiện việc đổi mới mô hình phát triển dựa vào chất lượng, chú trọng giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nhằm giảm tình trạng bạo lực học đường. 

Kiểm tra, rà soát các khoản thu đầu năm học, ngăn chặn kịp thời các trường có dấu hiệu lạm thu. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020.

- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch tại các thị trường có tiềm năng để quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước; khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Tăng cường việc quản lý, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ trong các khu, điểm du lịch trọng điểm.

- Tập trung thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổ chức diễn tập an toàn thông tin và an ninh mạng. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tập trung tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ra bên ngoài. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá về khoa học và công nghệ như: Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 71/2019/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2019 của UBND tỉnh ban hành Ban hành Quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản và môi trường; tiếp tục triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Nâng cao công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải; triển khai đúng lộ trình việc đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch quan trắc môi trường tỉnh An Giang và Kế hoạch quan trắc xâm nhập mặn, thông tin diễn biến tài nguyên nước để có giải pháp ứng phó kịp thời.

III. Lĩnh vực nội chính và quản lý nhà nước

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh. Trong đó quan tâm đối với các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực còn khó khăn, các chỉ tiêu còn thấp, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

- Đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 2020, tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế kinh tế - xã hội 2021, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2020-2025 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Theo dõi và kịp thời tháo gỡ khó khăn các dự án tỉnh đã được UBND trao chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2018. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại doanh nghiệp 6 tháng cuối năm 2020.

- Tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình công tác năm 2020 và đánh giá việc chấp hành thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và địa phương. 

- Tập trung triển khai các nội dung đã có thông báo kết luận sau các buổi làm việc của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; tiếp tục rà soát và kiến nghị Trung ương giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy của tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW gắn với thực hiện tinh giản biên chế. Tập trung ổn định tổ chức bộ máy sau Đại hội Đảng các cấp.

Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2020).

- Tiếp cận khai thác hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực quản lý nhà nước. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, nhất là xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng kinh tế số; sớm hoàn thành khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

- Tập trung quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, tăng thu, giảm chi ngân sách; kiểm soát giá cả hàng hóa và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm.

- Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, nhất là các vụ khiếu nại kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp dân định kỳ; thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân trước khi ban hành quyết định giải quyết.

- Tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, địa bàn trọng điểm; công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông với xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhằm tiếp tục lập lại trật tự an toàn giao thông, đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại năm 2020 theo kế hoạch; thăm chúc tết các Đại sứ quán, lãnh sự nhân dịp Tết Dương lịch 2021; tổ chức họp mặt định kỳ cuối năm 2020 với 02 tỉnh Takeo và Kandal Campuchia khi điều kiện cho phép.

- Chuẩn bị đầy đủ, đúng thời gian quy định các nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp bất thường và kỳ họp cuối năm 2020 HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

 

[1] Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 48.619 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ 48.619 triệu đồng (trong đó, 7.844 lao động bán lẻ vé số nhận hỗ trợ 7.844 triệu đồng từ nguồn của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiến An Giang); phê duyệt danh sách đối với 169 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí hỗ trợ 169 triệu đồng; phê duyệt danh sách đối với 847 hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ 847 triệu đồng. Các đối tượng còn lại cơ bản chi trả xong.

[2] Tính đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành 100% chi hỗ trợ 228.295 đối tượng với tổng kinh phí chi trả trên 230.466 triệu đồng (trong đó, đối tượng người có công: 6.729 người; đối tượng bảo trợ xã hội: 73.228 người; nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo: 148.338 người). Hình thức chi trả: tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương và từng nhóm đối tượng nên mỗi địa phương lựa chọn hình thức chi trả khác nhau (do cán bộ cấp xã thực hiện chi trả hoặc giao Bưu điện thực hiện chi trả)

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Báo cáo số 626/BC-UBND ngày 13/10/2020

các tin khác

Hình Ảnh