Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Kinh tế xã hội

An Giang nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch

02:57 31/10/2019

(Cổng TTĐT AG)- Ngày 30/10, tại thành phố Châu Đốc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng” cho gần 100 hộ kinh doanh và cung cấp các dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
 

Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho du khách khi đến với An Giang, từ tháng 8 đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức được 4 lớp với hơn 300 học viên là các hộ trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch ở 2 điểm di lịch lớn của tỉnh là Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Khu du lịch Núi Sam (thành phố Châu Đốc).

Qua các buổi tập huấn, các học viên sẽ được các chuyên gia đến từ rường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cho người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch.

Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu. Do đó, tỉnh An Giang đã và đang rất tích cực vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, qua đó xây dựng An Giang trở thành một điểm đến An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn – Đậm đà bản sắc văn hóa vùng sông nước Nam bộ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung Trinh, Giảng viên Khoa Lữ Hành - Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn cho biết, muốn xây dựng cộng đồng cùng làm du lịch trước tiên phải có sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương, phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và phải được hoàn thiện theo tình hình thực tế. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.

Theo báo của của tỉnh An Giang, 9 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 9,5 triệu lượt khách du lịch đến An Giang, trong đó có 5,3 triệu lượt khách đến Châu Đốc, tuy nhiên, doanh thu từ du lịch của An Giang vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung Trinh cho rằng, lý do khách du lịch đến An Giang và Châu Đốc nhiều nhưng chi tiêu ít có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chúng ta thiếu các dịch vụ du lịch phụ trợ; cùng với đó, ý thức làm du lịch của một bộ phân người dân và các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng “không có mợ, chợ vẫn đông”, không cần du khách nên phần nào tạo nên một hành ảnh không mấy thân thiện đối với du lịch An Giang.

Do đó, để ngành du lịch An Giang phát triển bền vững và ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển kinh tế của địa phương, Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung Trinh đề xuất tỉnh An Giang cần hướng tới xây dựng loại hình du lịch có trách nhiệm; tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng để người dân thực sự được ưởng lợi từ sự phát triển du lịch. Trong đó, cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch cộng đồng với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người hưởng thụ, lại vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… Cùng với du khách, người dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này.

Responsive image
 

Cùng với đó, mỗi địa phương, mỗi khu, điểm du lịch cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm để làm định hướng và mời gọi người dân tham gia làm du lịch, để mỗi người dân trở thành một “đại sứ” du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lich của địa phương đến với du khách gần xa.

Ông Nguyễn Thanh Phương, một hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc (An Giang) cho rằng, nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng là chưa đủ, mà cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương với chức năng nhiệm vụ không ngừng nâng cao công tác quản lý hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm phối kết hợp khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thu hút khách du lịch góp phần xây dựng kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung.

Theo ông Phương, chính quyền địa phương cần có những ưu đãi về chính sách nhằm thu hút các công ty lữ hành khai thác và liên kết các tour du lịch, đồng thời, đa dạng hóa loại hình dịch vụ như: các hoạt động dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp; tham quan phong cảnh,… để giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa và khám phá những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, nếp sống nơi đây, qua đó sử dụng nhiều dịch vụ của người dân hơn.

Cùng với đó, cần chú trọng công tác tập huấn cho người dân làm du lịch thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. “Thực tế là tại các bản du lịch đội ngũ lao động hầu như chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm, chủ yếu là nhiệt tình và hiếu khách” ông Phương cho biết thêm.

“Muốn cho hoạt động du lịch ở cộng đồng thành công thì phải đầu tư cho con người, đó là đầu tư mang tính chiến lược; đào tạo từ những người làm công tác quản lý tại các tuyến điểm và những cư dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch để áp dụng một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo trong đón tiếp và phục vụ khách du lịch, xây dựng mỗi người dân An Giang trở thành một đại sự cho du lịch An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung”- ông Phương đề xuất.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành ở địa phương tập trung đầu tư hạ tầng cho bản du lịch, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải đảm bảo các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, tránh sự lai căng, biến chất của những giá trị cốt lõi của không gian văn hóa và cộng đồng dân cư; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đến du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách du lịch đến Châu Đốc, An Giang ngày càng đông hơn./. 

Công Mạo

các tin khác

Hình Ảnh