Tiềm năng và Cơ hội đầu tư vào An Giang
01:47 08/12/2016
An Giang - vùng đất đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm kinh tế thương mại vùng và khu vực; đồng thời là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Thái Lan.
Tỉnh An Giang phía Đông giáp tỉnh Đồng tháp, Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và Tây Bắc giáp Campuchia; cách thành phố Hồ Chí Minh 190km, cách thành phố Phnom Penh – Campuchia 120km.
Diện tích tự nhiên: 3.537 km2. Dân số trên 2,15 triệu người. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 27oC, lượng mưa trung bình hàng năm 1.130mm.
An Giang có hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ tiện lợi cho việc vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách trong vùng và khu vực. Đó là hai đường quốc lộ 91 và 80 nối liền từ Đông sang Tây giáp với Vương quốc Campuchia, hai con sông Tiền và sông Hậu chảy xuyên qua địa phận An Giang và đổ ra biển Đông. Ngoài ra, tỉnh có Cảng Mỹ Thới thuộc hệ thống Cảng biển Việt Nam và quốc tế, nằm trong khu vực của Cảng hàng không Cần Thơ với khoảng cách đường chim bay 50 km và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất 190 km.
Hiện nay, tỉnh An Giang có khoảng 5.323 doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút được 38 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Phillipines, Singapore, Thái Lan,… đầu tư tại An Giang.
Tỉnh An Giang xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển là: Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Với tinh thần đó, cẩm nang “An Giang – Tiềm năng và cơ hội – Địa điểm đầu tư lý tưởng” sẽ cung cấp những thông tin bổ ích giúp nhà đầu tư hiểu thêm về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh An Giang, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, nội dung ưu đãi khi đầu tư trên địa bàn tỉnh... Tỉnh An Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án.
TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH
1. Nông nghiệp – thủy sản:
- Lúa, gạo: Diện tích canh tác trên 250 ngàn ha, sản xuất 3 vụ với hệ số sử dụng đất là 2,43 lần. Vụ Thu Đông (vụ 3) chủ yếu ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Thành,….Giống lúa có trên 35 loại, trong đó giống có chất lượng cao chiếm 70-80%. Mô hình cánh đồng lớn đang được trồng 22.000 ha và phát huy hiệu quả, nhân rộng để tiến tới sản xuất lớn. Cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch trên 60% diện tích.
- Rau màu: Diện tích trồng rau dưa các loại hàng năm và đến nay đạt gần 38 ngàn ha, sản lượng thu hoạch trên 900 ngàn tấn; tập trung chủ yếu ở Chợ Mới, Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Châu Thành. Và các loại đậu xanh, đậu nành rau, đậu bắp và một số đậu thực phẩm khác. Mô hình sản xuất rau an toàn đang được triển khai thực hiện trên 20 mô hình với diện tích 500 m2 - 1000 m2/nhà lưới.
- Cây ăn trái: tỉnh An Giang đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1884/QĐUBND ngày 28/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó xoài là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh được định hướng phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ. Hiện nay, một số loại xoài đặc sản được quan tâm phát triển phân bổ chủ yếu tại các huyện Tịnh Biên, Chợ Mới và thị xã Tân Châu với những đặc tính khác biệt so với các vùng khác. Đối với vùng cù lao Giêng gồm 3 xã Tân Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới nhờ có diện tích đê bao khép kín nên đã chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái trong đó đa phần là cây xoài. Tính đến nay, tại 03 xã trên có khoảng trên 3.000 ha xoài chủ yếu là giống xoài Đài Loan. Đối với huyện Tịnh Biên, giống xoài Thanh Ca, Hòa Lộc thích nghi và phát triển khá tốt tại nhiều xã An Phú và An Cư. Với khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt nên xoài được trồng tại đây đã được nhiều người tiêu dùng đánh giá có hương vị khác biệt so với các vùng khác trong khu vực đồng bằng nhờ phát triển trên vùng đất núi. Điều này cũng tạo được nét đặc trưng riêng cho sản phẩm tại đây. Đối với xã Vĩnh Hòa thuộc thị xã Tân Châu là nơi duy nhất trong tỉnh trồng giống xoài thơm đặc sản được duy trì qua nhiều năm chủ yếu trồng bằng hạt. Nhờ với đặc điểm di truyền, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt nên sản phẩm xoài này khi chín có các đặc tính khác biệt thịt quả có màu vàng, thơm ngon và ngọt.
- Thủy sản: Sản lượng nuôi trên 300 ngàn tấn/năm gồm các loại cá tra, basa, lóc, rô, rô phi, tôm càng xanh, lươn,…Hình thức nuôi chủ yếu là ao hầm, lồng bè. Có gần 50% diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGap, ASC,…Có khoảng trên 90% sản lượng nuôi được đưa vào chế biến xuất khẩu. Tỉnh có 17 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế lên đến 400.000 tấn/năm, trong đó tổng công suất chế biến hàng giá trị gia tăng là 5.000 tấn. Cơ sở chế biến có khoảng 100 cơ sở chế biến khô các loại, với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình chừng 30.000 tấn/năm.
2. Du lịch:
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vì vậy, ngành du lịch An Giang đã và đang từng bước xây dựng hình ảnh thân thiện với du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đầu tư đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch kết hợp bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng lượt khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 28,3 triệu lượt. Một số công trình lớn khai thác hoạt động du lịch đã được đầu tư, khách du lịch quốc tế và nội địa liên tục tăng tạo cơ hội gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách du lịch trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thành công bước đầu mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông nghiệp, trang trại, củng cố và phát triển du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay)… Chất lượng phục vụ của các khu, điểm du lịch từng bước được nâng lên, số lượng cơ sở lưu trú, khu du lịch, điểm du lịch liên tục tăng theo từng năm. Mô hình phát triển du lịch giáp biên giới Campuchia, du lịch khám phá Sông Mê Kông liên tục được mở rộng và khai thác hiệu quả khá cao.
3. Thương mại – dịch vụ:
Trong 5 năm 2011 - 2015, thương mại nội địa đã có mức tăng 02 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2015 đạt 73.610 tỷ đồng, bằng 2,049 lần so năm 2010; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 15,43%/năm, tăng 0,4% so kế hoạch (kế hoạch 2011-2015 là 15%). Những đóng góp ngày càng tăng của ngành thương mại vào GRDP hàng năm của tỉnh đã thể hiện rõ những nỗ lực khai thác các lợi thế để nâng cao vai trò của ngành thương mại đối với quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ hàng nông sản, cung ứng tư liệu cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng nhân dân.
Kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011-2015 ước đạt 4,53 tỷ USD, đạt 93,13% so kế hoạch và tăng 51,5 % so với giai đoạn 2006 - 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,8%; tập trung vẫn là mặt hàng chủ lực của tỉnh (gạo, rau quả đông lạnh, thủy sản). Thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng: gạo đã xuất qua 44 nước (tăng 02 nước so năm 2010), rau quả đông lạnh xuất đi 04 nước (tăng 03 nước so năm 2010), hàng thủy sản đã xuất qua 75 nước... Đến nay, hàng hóa của tỉnh đã có mặt tại 133 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng 26 nước so năm 2010).
Lợi thế kinh tế biên mậu tiếp tục được khai thác tốt, lưu lượng hàng hóa mua bán trao đổi qua các cửa khẩu biên giới luôn giữ ổn định ở mức cao; nhiều hoạt động giao thương, kết nối thương mại với thị trường Camuchia tiếp tục được duy trì, như: hội chợ quốc tế Tịnh Biên, hội chợ thương mại An Phú, tổ chức chương trình xúc tiến, hợp tác với các doanh nghiệp và nhà phân hối Campuchia thông qua chương trình xúc tiến quốc gia.
4. Khu kinh tế cửa khẩu:
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh có quy mô sử dụng đất 26.583 héc-ta, gồm: Cửa khẩu Vĩnh Xương (9.916 héc-ta), cửa khẩu Khánh Bình (7.412 héc-ta) và cửa khẩu Tịnh Biên (9.255 héc-ta).
Với tính chất là Khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia, Khu kinh tế cửa khẩu An Giang là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới phía Tây Bắc, tỉnh An Giang.
5. Công nghiệp – xây dựng:
Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, cơ cấu giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) giữa các thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp đã có tác động tích cực, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn, thay đổi cơ cấu nền kinh tế; ổn định việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội. Các khu, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu triển khai dự án, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Lĩnh vực đầu tư - xây dựng có chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống giao thông.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
5 NĂM 2016 – 2020
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, An Giang luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định biên giới; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa – xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Phát triển kinh tế An Giang trên nền tảng phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là hai mũi nhọn. Phát triển kinh tế theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh để tạo nền tảng phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.
Các mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 theo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 của tỉnh An Giang xác định:
1. Về phát triển kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2016 - 2020 là 7%.
- GRDP bình quân đầu người (giá HH) đến năm 2020 đạt 48,628 triệu (khoảng 2.266 USD/người)
- Giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha.
- Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 6.050 triệu USD.
- Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 31.985 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 148 ngàn tỷ đồng.
2. Về văn hóa – xã hội – môi trường:
- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đến năm 2020: mẫu giáo đạt 70%, Tiểu học đạt 100%; Trung học cơ sở đạt 80%; Trung học phổ thông và tương đương đạt 50%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2020 đạt 65%.
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2016-2020) bình quân 1,5%/năm.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng: 10%.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân: 25,43 giường.
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đến năm 2020 đạt 8 bác sĩ.
- Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020 đạt 80%.
- Có tối thiểu 60 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
- Tỷ lệ dân số nông thôn cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh: 90%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị: 75%.
CÁC THÔNG TIN KHÁC
1. Hạ tầng giao thông tỉnh An Giang
1.1. Đường xá:
- Đường bộ: Hệ thống giao thông đường bộ nhựa hóa và bê tông hóa xe ô tô đến các Trung tâm thị xã 100% (tỉnh lộ 14 tuyến dài 404 km), và đến được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, An Giang có cửa khẩu Khánh Bình cách thủ đô PhnomPenh (Campuchia) khoảng 70 km và quốc lộ 91 dài 91 km nối với quốc lộ 2 của Campuchia, Lào, Thái Lan thông qua 2 cửa khẩu Tịnh Biên và Vĩnh Xương.
- Đường thủy: sông Tiền (chảy qua địa phận tỉnh 87km) và sông Hậu (qua địa phận tỉnh 100 km) là hai con sông quan trọng nối An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan. Ngoài ra, mạng lưới kênh cấp 2, cấp 3 đảm bảo các phương tiện từ 50-100 tấn lưu thông trong tỉnh.
1. 2. Cầu, phà:
- Cầu Vàm Cống đang xây dựng (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2017), dài 2.037m nối liền hai bờ An Giang và Đồng Tháp sẽ rút ngắn 01 giờ thời gian từ TP. Hồ Chí Minh đến An Giang.
- Cầu Cồn Tiên nối liền Châu Đốc đến cửa khẩu quốc gia Khánh Bình để đến Phnom Penh tạo thành một tuyến ngắn nhất thông suốt thuận lợi cho du khách đi tour thành phố Hồ Chí Minh – An Giang – Phnom Penh.
1.3. Cảng: hiện có 02 cảng
+ Cảng Mỹ Thới (cách trung tâm TP. Long Xuyên 10km): có khả năng tiếp nhận loại tàu 10.000 tấn, hàng năm tiếp nhận hàng hóa trên 0,8 triệu tấn.
+ Cảng Bình Long (KCN Bình Long, huyện Châu Phú): có năng lực thông quan khoảng 150 tấn, được thiết kế cho xà lan 500 DWT vào làm hàng.
+ Bến Vĩnh Xương (TX. Tân Châu): có vị trí thuận lợi nhất nối với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương duy nhất tiếp cận với thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan so với các tỉnh ĐBSCL.
2. Khả năng cung ứng lao động:
2.1. Lao động sẵn có (bao gồm có tay nghề và không có tay nghề)
Tổng số lao động sẵn có khoảng: 1.350.000 người; trong đó số lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 50%.
Số lượng lao động trong các doanh nghiệp tư nhân: 27.350 người
Số lượng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước: 10.374 người
2.2. Mức lương cơ bản:
Lương tối thiểu: (theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ)
+ Vùng II (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc): 3.100.000 đồng
+ Vùng III (TX. Tân Châu, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn): 2.700.000 đồng.
+ Vùng IV (các huyện còn lại): 2.400.000 đồng
3. Giá cung cấp nước sạch cho sản xuất: 7.200 đồng/m3
4. Giá điện cho sản xuất: cấp điện áp từ 110KV trở lên
- Giờ bình thường: 1.388 đồng/kwh
- Giờ thấp điểm: 869 đồng/kwh
- Giờ cao điểm: 2.459 đồng/kwh
Lưu ý:
* Giờ bình thường:
a. Gồm các ngày từ thứ hai đến thứ bảy:
- Từ 04 giờ 00 đến 9 giờ 30 (05 giờ và 30 phút);
- Từ 11 giờ 30 đến 17 giờ 00 (05 giờ và 30 phút);
- Từ 20 giờ 00 đến 22 giờ 00 (02 giờ).
b. Ngày Chủ nhật:
- Từ 04 giờ 00 đến 22 giờ 00 (18 giờ).
* Giờ cao điểm:
a. Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy:
- Từ 09 giờ 30 đến 11 giờ 30 (02 giờ);
- Từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00 (03 giờ).
b. Ngày Chủ nhật: không có giờ cao điểm.
* Giờ thấp điểm: Tất cả các ngày trong tuần: từ 22 giờ 00 đến 04 giờ 00 sáng ngày hôm sau (06 giờ).
HỆ THỐNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP DO BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ QUẢN LÝ
Thành phố Long Xuyên
Thành phố Long Xuyên có diện tích 106,87 km2, là thành phố lớn và sầm uất thứ hai ĐBSCL, chỉ sau thành phố Cần Thơ. Đến thành phố Long Xuyên, quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thành phố ven sông trù phú với chợ nổi trên sông, hàng hóa phong phú. Sang cù Lao Ông Hổ viếng Đền BácTôn, thăm Khu Vườn du lịch.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong 5 năm gần đây đạt 10,31%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đã tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người ở thành phố đạt 98,4 triệu đồng/người hơn gấp 2 lần tỉnh. Thương mại dịch vụ ở Long Xuyên rất phát triển chiếm gần 80% trong cơ cấu GDP của thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng năm hàng ngàn tỉ đồng. thành phố đã phát huy lợi thế tập trung đầu tư và mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ nên chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt hệ thống bán sỉ, bán lẻ đã ra đời: Siêu thị Co.opmart, Metro, Nguyễn Kim, với tổng doanh thu hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sản xuất-kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của thành phố, tạo cho thành phố sự năng động hơn, hội nhập ngày càng rõ nét.
Nhiều dự án công trình trọng tâm, trọng điểm được triển khai thực hiện: Khu hành chính thành phố, cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Tây sông Hậu, kè chỉnh trang đô thị sông Long Xuyên, khu dân cư Tây đại học, khu dân cư Tây Khánh 3… Đến nay, thành phố có 357 tuyến đường, với 380 km hạ tầng giao thông được phủ nhựa hoặc bê-tông hóa. Hệ thống công viên cây xanh, đèn chiếu sáng công cộng, đèn trang trí đô thị... được nâng cấp, bổ sung thường xuyên tạo cảnh quan đẹp cho đô thị.
Tất cả các lĩnh vực đều có sự chuyển biến rõ rệt, đáng chú ý nhất là hạ tầng về thương mại, dịch vụ, giao thông, đô thị; cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao... được đầu tư khá khang trang, hiện đại; công tác chỉnh trang đô thị và giữ gìn trật tự đô thị được duy trì thường xuyên, cảnh quan thành phố ngày càng thêm sạch-đẹp và văn minh. Đời sống người dân thành phố không ngừng được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.
Thành phố Châu Đốc
Châu Đốc là thành phố thuộc tỉnh An Giang, là vùng biên cương, nằm phía Tây Nam của Tổ quốc. Phía Tây giáp Campuchia, Đông giáp Phú Tân – Châu Phú, Bắc giáp An Phú – Tân Châu, Nam giáp Tịnh Biên. Thành phố Châu Đốc có một vị trí đặc biệt về thương mại, kinh tế biên giới và du lịch; là đầu mối giao thông quan trọng, gắn liền với các cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình; là nơi tập hợp và phân phối hàng hóa vào thị trường Campuchia về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; là địa bàn nằm trong chiến lược phát triển du lịch tiểu vùng Mêkông Việt Nam – Campuchia – Lào và là một địa bàn quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh.
Thành phố Châu Đốc có lợi thế so sánh về du lịch so với địa phương khác trong tỉnh và ngoài tỉnh như sau: Lễ hội vía bà Chúa xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tổng cục Du lịch Việt Nam nâng cấp quốc gia kể từ năm 2001 và được tổ chức thực hiện hàng năm. Hơn nữa, Châu Đốc có cầu Cồn Tiên nối liền An Phú đi Khánh Bình, có khu du lịch Búng Bình Thiên, đường bộ có thể đi Campuchia đến Phnôm Pênh 90 km, đi qua Hà Tiên đường 55A cũng với cự ly 91 km. Vì vậy, Châu Đốc chính là trung tâm, là điểm nối liền các khu du lịch lân cận, thuận lợi cho tour du lịch liên hoàn.
Huyện Tịnh Biên
Huyện Tịnh Biên là một trong hai huyện thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh An Giang với tổng diện tích tự nhiên 35.489,09 ha.
Huyện Tịnh Biên có vị trí tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, là đầu mối giao thương quan trọng nối các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các nước ASEAN.
Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao và đều quanh năm, phù hợp với nhiều loại cây trồng, thuận lợi phát triển nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện có trữ lượng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào với các loại đá xây dựng thông thường, đá ốp lát Granit, cát xây dựng.Có thể khai thác phục vụ phát triển công nghiệp và xây dựng.
Nét đặc trưng chung của huyện là địa hình bán sơn địa, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, cảnh quan môi trường thoáng đảng, đẹp. Có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn với các khu vực chủ yếu như: Lâm viên núi Cấm, khu vực núi Két, rừng Trà Sư.
Huyện Tri Tôn
Tri Tôn là huyện nằm về hướng Tây Nam tỉnh An Giang với diện tích tự nhiên khoảng 60.039,74 ha.Tri Tôn có vị trí địa lý khá thuận lợi khi phía Bắc và Đông Bắc Tri Tôn giáp huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và nước bạn Campuchia.Đây là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, huyện Tri Tôn là địa phương có diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh An Giang. Động vật trong rừng khá phong phú với nhiều chủng loại như khỉ, heo rừng, trăn, rắn... và các loài chim. Có thể nói, rừng là lợi thế của huyện Tri Tôn trong việc bảo tồn nguồn GEN quý kết hợp với việc phát triển ngành du lịch sinh thái.
Tri Tôn có nhiều chùa chiền Phật giáo Nam tông mang hình thái kiến trúc của người Khmer, một số chùa được công nhận và xếp hạng di tích cùng nhiều lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người Kinh (Tết Nguyên Đáng, Đoan Ngọ,…), của người Khmer (lễ Dolta kết hợp lễ hội đua bò Bảy Núi, Cholchnam Thomay,…) và người Hoa khá độc đáo đã trở thành điều kiện, tiềm năng để du lịch Tri Tôn phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của huyện trong tương lai.
Huyện An Phú
Huyện An Phú nằm ở đỉnh cực Tây bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp lãnh thổ Campuchia, diện tích 22.600 ha. Đây cũng là nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của sông Hậu từ Campuchia vào Việt Nam. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Takeo và Kandal của Campuchia, đường biên giới dài khoảng 40.5km, phía Đông giáp Thị xã Tân Châu và phía Nam giáp ngã ba sông Hậu ở Châu Đốc.
Dân cư ở An Phú chủ yếu là nông dân, hầu hết diện tích đều trồng lúa (vùng này là một trong những nơi có đất phù sa tốt của tỉnh An Giang) ngoài ra còn nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Huyện An phú là địa phương có đường biên giới với Campuchia khá dài và thường có sự đi lại của người dân hai bên. Tính theo đường bộ thì từ An Phú đi thủ đô Phnom Pênh của Campuchia là đường gần nhất từ Việt Nam đi sang nên tạo điều kiện tốt cho giao thương trong vùng.
Thị xã Tân Châu
Thị xã Tân Châu thuộc vùng biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh An Giang, là địa phương đầu nguồn con sông Tiền, có đưòng biên giới dài 6,33 km giáp với tỉnh Kandal – Vương quốc Campuchia. Diện tích đất tự nhiên toàn thị xã là 17.664,64 ha. Đây là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đất đai màu mỡ, cồn bãi phì nhiêu nên Tân Châu đã sớm trở thành thủ đô của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, cho ra sản phẩm lãnh Mỹ A vang bóng một thời. Lụa Tân Châu bấy giờ có mặt khắp Nam Kỳ và các nước lân cận như Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia như là một mặt hàng cao cấp. Ngày nay, nghề dệt lụa đã mai một, Tân Châu tập trung thế mạnh vào phát triển thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Chợ Tân Châu được xem là đầu mối thương mại của vùng, và là điểm dừng chân trên đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh đi Phnôm Pênh.
Ngoài những điều kiện thuận lợi về giao thông đường thủy, Tân Châu nằm trên con đường đưa khách du lịch từ Campuchia qua Việt Nam và ngược lại. Nắm bắt những lợi thế đó, thị xã đã bắt đầu khai thác và quảng bá các thế mạnh về du lịch của mình, đó là những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm như lễ hội văn hóa Tân Châu,lễ hội Mùa nước nổi, lễ hội văn hóa dân tộc Chăm... kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Huyện Thoại Sơn
Huyện Thoại Sơn có tổng diện tích là 45.869 ha. Phía bắc giáp huyện Châu Thành, phía tây giáp huyện Tri Tôn, phía đông giáp thành phố Long Xuyên, phía nam giáp tỉnh Kiên Giang.
Ngoài những ngọn núi được thiên nhiên đặt ở đồng bằng Tây Nam Bộ như núi Ba Thê, núi Sập, núi Chọi,..thì địa hình còn lại của huyện khá bằng phẳng, đất thuần nông. Đa số người dân sống theo trục lộ giao thông và theo các tuyến kênh rạch; phần lớn sống bằng nghề nông, một số ít tập trung tại chợ buôn bán.
Huyện Thoại Sơn có nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê, 2 bia đá và Tượng Phật 4 tay là di tích kiến trúc nghệ thuật tại thị trấn Óc Eo và Bia Thoại Sơn tại Đình thần Thoại Ngọc Hầu được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia...
Huyện Chợ Mới
Chợ Mới là huyện có đông dân số nhất tỉnh An Giang, là cù lao lớn nhất được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao với diện tích đất tự nhiên là 36.929 ha; trong đó diện tích đất cồn bãi là 450 ha. Nơi đây sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế và giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
Toàn huyện hiện có 12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở ngày càng được hoàn thiện với nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng như đường dẫn Cầu Ông Chưởng, đường Nguyễn Hữu Cảnh, bờ kè khu hành chính huyện… đã tạo nên diện mạo mới của huyện.
Lợi thế sẵn có của huyện là về nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp,… Đặc biệt, đối với vùng cù lao Giêng gồm 3 xã Tân Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới nhờ có diện tích đê bao khép kín nên đã chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái trong đó đa phần là cây xoài. Tính đến nay, tại 03 xã trên có khoảng trên 3.000 ha xoài chủ yếu là giống xoài Đài Loan.
Huyện Phú Tân
Phú Tân nằm trên cù lao Kết giống hình con Quy giữa hai con sông lớn, đó là sông Tiền và sông Hậu, là một trong 04 huyện cù lao của tỉnh An Giang thuộc vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, nhất là cây nếp và nuôi trồng thủy sản (đất trồng trọt hơn 24.000 ha). Ngoài ra, trên địa bàn huyện đường bộ có tuyến tỉnh lộ 954 chạy qua; đường thủy tiếp giáp với 03 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng diện tích tự nhiên là 31.350 ha.
Huyện Châu Thành
Ở vào vị trí tiếp giáp trung tâm của tỉnh, huyện Châu Thành có quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941 chạy qua nối Châu Thành với Tri Tôn, Châu Phú và cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 50 km; là khu vực trọng yếu của tỉnh, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi tạo thế liên hoàn với 3 huyện cù lao. Tổng diện tích tự nhiên 34.720 ha.
Huyện Châu Phú
Huyện nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh An Giang, giáp với con sông Hậu, có diện tích 42.570 ha, nằm cách thành phố Long Xuyên 35 km về phía Bắc và cách thành phố Châu Đốc 20 km về phía Nam.
Nhiều lễ hội tại Châu Phú mang sắc thái dân tộc độc đáo như: lễ rước thần đình Bình Thủy, lễ vía Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên). Hằng năm có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: viếng đền thờ Cố quản Trần Văn Thành, cúng đình, đua thuyền...
ĐỊA BÀN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang được quy định như sau:
- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: bao gồm các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu.
- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: bao gồm các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và thành phố Châu Đốc.
DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
(Tham khảo Phục lục I Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư)
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẨU TƯ, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Khi đầu tư tại An Giang, các nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành. Cụ thể:
I. CHÍNH SÁCH CHUNG:
1. Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước:
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Bảy (7) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Ba (3) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.
2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:
2.1. Thuế suất và thời gian
- Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Áp dụng thuế suất 20% trong thời gian 10 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Áp dụng thuế suất 17% đối với thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
2.2. Hình thức miễn giảm
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
3. Ưu đãi về thuế nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.
II. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
1. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước:
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các xã thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động.
- Hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân: Đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: nếu thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư đó thì được Nhà nước hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo khung giá đất, mặt nước của địa phương cho 05 năm đầu tiên kể từ khi hoàn thành xây dựng cơ bản.
2. Ưu đãi về tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất
* Khi nhà nước giao đất:
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: nếu được nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó.
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: nếu được nhà nước giao đất thì được giảm 70% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các xã thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc: nếu được nhà nước giao đất thì được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.
* Chuyển mục đích sử dụng đất:
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nằm trong quy hoạch phê duyệt được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
- Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nằm trong quy hoạch phê duyệt được giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
III. XÃ HỘI HÓA
1. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
2. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước (theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
2.1. Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê trừ trường hợp quy định tại điểm 2.2 .
2.2. Đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị (trong giới hạn đô thị thuộc phường, thị trấn) được miễn, giảm tiền thuê đất như sau:
a) Thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê:
- Tại các địa bàn có điều kiện - xã hội đặc biệt khó khăn (gồm các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu): được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê.
- Tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gồm các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân): được giảm 50% tiền thuê đất.
- Tại địa bàn thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc: được giảm 30% tiền thuê đất.
b) Thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm:
- Tại các địa bàn có điều kiện - xã hội đặc biệt khó khăn (gồm các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu): được miễn tiền thuê đất hàng năm.
- Tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gồm các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân) được miễn tiền thuê đất 11 năm (kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động) sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản.
- Tại địa bàn thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc: được miễn tiền thuê đất 07 năm (kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động) sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản.
- Thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản: các cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; việc miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản được thực hiện theo dự án gắn với việc Nhà nước cho thuê đất mới, chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất, không bao gồm các trường hợp đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh trên diện tích đất đang được Nhà nước cho thuê.
IV. ĐẦU TƯ VÀO KHU KINH TẾ - KHU CÔNG NGHIỆP:
1. Tại các khu công nghiệp:
1.1. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tại huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới:
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% áp dụng trong thời gian 10 năm, được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới.
- Miễn thuế 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
1.2. Ưu đãi về tiền thuê đất:
- Miễn tiền thuê đất 07 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
- Miễn tiền thuê đất 11 năm, kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động (dự án thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư).
- Miễn tiền thuê đất 15 năm, kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động (dự án thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; trong đó có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư theo Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh)).
1.3. Tiền sử dụng hạ tầng:
Được miễn thu tiền sử dụng hạ tầng 03 năm kể từ ngày công trình được khởi công, sau đó trả phí hàng năm (chưa tính phí xử lý nước thải) là: 3.800 đồng/m2/năm (Nếu nhà đầu tư trả tiền sử dụng hạ tầng một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất từ 30 năm trở lên sẽ được giảm 40% tiền sử dụng hạ tầng).
2. Tại khu kinh tế cửa khẩu:
2.1. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% áp dụng trong thời gian 15 năm, được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới.
- Miễn thuế 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
2.2. Ưu đãi về tiền thuê đất:
- Miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
- Miễn tiền thuê đất 15 năm, kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động (dự án thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư).
- Miễn tiền thuê đất kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư theo Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Tài Liệu đính kèm:Tải về