Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang

Kinh tế xã hội

Những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang năm 2021

10:23 19/01/2022

(TUAG)- Năm 2021 là năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021-2025. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát nhanh, tốc độ lây lan mạnh trên diện rộng, đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân cả nước nói chung, của tỉnh An Giang nói riêng.
 

 

Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Trước tình hình trên, An Giang đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương cùng với sự quyết tâm lãnh đạo, điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, kết quả kinh tế - xã hội năm 2021 được ổn định và có mức tăng trưởng hợp lý. Tổng sản phẩn trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,15% so cùng kỳ; thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có 06 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt. Những kết quả nổi bật đó là:

* Sản xuất nông nghiệp ổn định tăng trưởng khá trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và biến động giá cả - thị trường

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà, trong điều kiện khó khăn chung nhưng khu vực này đạt mức tăng 2,2%, cao hơn mức tăng của năm 2020 (năm 2020 tăng 1,97%). Trong năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, mở rộng mô hình liên kết trong sản xuất..., đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Tổng sản lượng lúa cả năm ước đạt hơn 4,16 triệu tấn (tăng 148,6 ngàn tấn) so cùng kỳ; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 499 ngàn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ (tăng hơn 3 ngàn tấn); diện tích cây lâu năm toàn tỉnh khoảng 20 ngàn ha, tăng 5,3% (tăng 01 ngàn ha), trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 14,8 ngàn ha, sản lượng đạt 287 ngàn tấn (tăng 19,4 ngàn tấn so cùng kỳ); công tác phòng ngừa dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm luôn được chú trọng và kiểm soát tốt, nhờ đó đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đều tăng so cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản cũng được đầu tư nâng cao chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất đi các thị trường khó tính như gạo của tập đoàn Lộc Trời An Giang đã xuất sang các nước Hiệp định EVFTA, CPTPP, xoài cát Hòa Lộc đã xuất sang thị trường Mỹ mang lại giá trị cao.

* Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng giá trị xuất khẩu

Tỉnh đã từng bước đổi mới trong việc tiếp cận nhà đầu tư và có những giải pháp cụ thể để thực thi cam kết của lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Trong điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, xây dựng vững chắc chuỗi cung ứng và liên kết tiêu thụ hàng hóa với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ chế biến sâu và nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm... Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.120 triệu USD, tăng gần 20,5% so với cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch đề ra.

Tổng giá trị xuất - nhập qua các cửa khẩu biên giới An Giang ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so cùng kỳ. Trong đó, xuất - nhập khẩu đăng ký tại An Giang là 762 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ; hàng hoá đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang là 1,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

* Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thích ứng an toàn dịch bệnh COVID-19

Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cùng với triển khai công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo các ngành khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, phương thức, mức hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm ổn định đời sống người dân.

Tỉnh cũng đã làm tốt công tác đón hơn 85 ngàn người dân An Giang có nguyện vọng trở về quê; tổ chức đón 233 công dân đang tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuộc nhóm đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ được về quê an toàn trong mùa dịch COVID-19.

Song song với việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức mặt trận, đoàn thể triển khai thực hiện các mô hình, như: "Cửa hàng 0 đồng", "Chuyến xe 0 đồng", "Chuyến xe yêu thương", chương trình "San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch", "Triệu túi an sinh"… tại 190 địa điểm ở các xã, phường, trị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã hỗ trợ trên 494.427 lượt hộ dân với tổng số tiền và hàng hóa quy tiền gần 129,3 tỷ đồng, góp phần giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn.

* Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội có nhiều tiến bộ

Quan tâm phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân nhưng phải gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian đầu tỉnh đã siết chặt biên gới, quản lý chặt các đường mòn lối mở đã hạn chế được việc nhập cảnh trái phép, tình hình biên giới ổn định; trong nội địa, các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện tuần tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhờ vậy các vụ phạm pháp hình sự, vận chuyển hàng cấm quan biên giới, tai nạn giao thông đều giảm so cùng kỳ năm 2020; đặc biệt, đã triệt phá các vụ án lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được dự luận đồng tình ủng hộ.

Công thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện thực hiện khá tốt nên hạn chế rất nhiều tình trạng tụ tập khiếu nại, khiếu kiện đông người.

Có thể nói, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sực phức tạp, nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh đạt được là khá toàn diện, đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp tỉnh nhà. Điều này sẽ tạo niềm tin và động lực to lớn để An Giang tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.

 

LÊ VĂN PHƯỚC - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

các tin khác

Hình Ảnh