Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh An Giang
Số Liệu Thống Kê
08:48 15/07/2020
Cổng TTĐT AG)- Sáng ngày 9/7/2020, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng trình bày tại kỳ họp lần thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 có tăng trưởng nhưng thấp hơn so cùng kỳ. Mặc dù vậy, các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội, cải cách hành chính vẫn có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 |
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh Covid - 19 từ nay đến cuối năm 2020 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 51,2% tổng số xã. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 447,5 triệu USD, tăng 3,36% so cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất - nhập qua các cửa khẩu biên giới An Giang đạt trên 842 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2020 có 399 doanh nghiệp thành lập mới và 226 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động; tổng số vốn đăng ký là 2.908 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn được 4.053 tỷ đồng, đạt 59,98% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 96,58% so cùng kỳ.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 28 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 6.893 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và tích cực hướng dẫn các đối tượng về trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hoạt động y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng tiếp tục được duy trì. Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng, bệnh Tả, Cúm A/H5N1. Bệnh Viêm đường hô hấp Covid-19 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo tạo nghề cho 8.750 người ở cấp trình độ ngắn hạn; có 132 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó, thị trường Nhật Bản 94 lao động, Đài Loan 35 lao động, Mỹ 02 lao động, Philippin 01 lao động); đã giải quyết 2.482 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí chi trả 35.415 triệu đồng. Hiện nay, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc là 155 người (có 93 người làm việc trong các khu công nghiệp).
Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phong trào chăm lo cho người có công với cách mạng; Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Chính phủ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới và đạt nhiều thành tựu, được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm và ứng dụng. Công tác quản lý kiểm tra, giám sát các đề tài, dự án, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm đang triển khai được thực hiện chặt chẽ. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện 76 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (35 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao)...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, thủ tục hành chính của các sở, ngành, huyện, xã đã được đưa vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để xử lý hồ sơ qua mạng đạt 100%. Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của của người dân. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 hầu hết các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn hóa bị đình trệ, thu ngân sách giảm so cùng kỳ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngành du lịch giảm về lượt khách lẫn doanh thu. Tỉnh hình thời tiết diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tăng; Nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, công tác thủy lợi, đê bao đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông góp phần thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, khuyến cáo và có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu; Hỗ trợ các nhà phân phối lớn, các tập đoàn thương mại có năng lực và thương hiệu mở rộng mạng lưới cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn; đồng thời kết nối với vùng sản xuất xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa đảm bảo kịp thời và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan liên quan phối hợp triển khai các biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất (vay vốn, hồ trợ lãi suất,...), thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ các cơ sở sản xuất đổi mới trang thiết bị máy móc thông qua chương trình khuyến công, ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp bằng những sản phẩm mới...
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm, các công trình chậm tiến độ, các công trình của các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đảm bảo tiến độ.
Tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời thực hiện tốt kiềm chế giá cả, lạm phát. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Theo dõi tình hình triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp khởi công, triển khai các dự án và đưa vào vận hành khai thác, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Thực hiện toàn diện và đầy đủ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội; tập trung thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về lao động, việc làm cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19..../.
Vũ Hùng – Trung Cang
Hình Ảnh